PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo nêu rõ, nhìn lại chặng đường 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tiềm năng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được khai thác và phát huy một cách đầy đủ để đóng góp xứng tầm vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc về con đường phát triển duy nhất đúng đắn của quốc gia là phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhiều chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược và một số nghị quyết quan trọng đã được ban hành như: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia... thể hiện khát vọng đột phá, tinh thần dám nghĩ, dám làm nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, kiến tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong giai đoạn mới.
PGS.TS. Vũ Văn Tích cho biết, cuộc hội thảo được tổ chức để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp chia sẻ ý kiến, qua đó cung cấp các giải pháp thiết thực giúp hoàn thiện thể chế, chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, tạo đà mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới.
TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo
TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc học hỏi và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa then chốt đối với Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để khoa học và công nghệ Việt Nam có thể hội nhập quốc tế một cách toàn diện, cần phải làm 2 việc. Đó là phải tuân thủ quy luật kinh tế thị trường trong quản lý khoa học và công nghệ cũng như phải tiệm cận với thông lệ quốc tế trong quản lý khoa học để nâng cao hiệu quả, tiến tới có hệ thống quản lý khoa học và công nghệ tiên tiến.
Theo TS Nguyễn Quân, thông lệ quốc tế trong quản lý khoa học gồm 3 vấn đề. Thứ nhất, cần tăng tỷ trọng đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ. Mức đầu tư ngân sách cho khoa học và công nghệ hiện nay khoảng 0.5% GDP là quá thấp và hệ thống tài chính hỗ trợ cho phát triển khoa học và công nghệ theo mô hình kế hoạch hóa rất lạc hậu. Các nước phát triển đều dùng cơ chế quỹ hỗ trợ nghiên cứu nhưng Việt Nam vẫn chưa áp dụng cơ chế này. Thứ hai là phải huy động nguồn đầu tư xã hội cho phát triển khoa học và công nghệ, nhất là nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp. Thứ ba là cách ứng xử của cơ quan Nhà nước đối với những người làm khoa học. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các nhà khoa học về lương, thu nhập, về môi trường làm việc... thì Nhà nước phải tin tưởng và giao cho các nhà khoa học quyền tự chủ rất cao trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ... Có như vậy mới động viên các nhà khoa học cống hiến, tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng cho sản xuất kinh doanh và cho xã hội.
GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp phát biểu
Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay, khoa học công nghệ đang chuyển từ thuần túy ứng dụng công nghệ sang sáng tạo công nghệ và đây là giai đoạn rất quan trọng. Ở giai đoạn này, rủi ro trong nghiên cứu sẽ cao hơn, mức đầu tư yêu cầu lớn hơn, dài hạn hơn, theo định hướng chiến lược nhất định. Nếu không đầu tư đủ kinh phí, tổ chức hệ thống hiệu quả, không những không chuyển sang sáng tạo ra công nghệ được mà phát triển các ứng dụng công nghệ cũng sẽ là thách thức. Điều này, buộc Nhà nước phải sắp xếp hệ thống, nhất là các tổ chức khoa học và công nghệ, theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo, phân công rõ ràng, cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các đơn vị để họ theo đuổi nhiệm vụ chính trị dài hạn mà họ được phân công lúc thành lập ra.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài khoa học và công nghệ. Tất cả các quốc gia thành công đều coi nhân lực là yếu tố quyết định. Nhà nước cần cải cách hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
GS.TS. Lê Huy Hàm cho rằng, để các Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn khi xây dựng phải “thấu hiểu” được những vướng mắc, khó khăn đang cản trở khoa học công nghệ và phải được triển khai đúng theo tinh thần định hướng trong Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tránh tình trạng lâu nay, Nghị quyết được ban hành rất đúng và trúng nhưng các quy định của Luật và văn bản dưới Luật lại “làm khó” cơ sở.
Tin và ảnh Thu Hằng