Việt Nam: Chống động đất là yêu cầu bắt buộc trong thiết kế công trình

Việt Nam: Chống động đất là yêu cầu bắt buộc trong thiết kế công trình
2 ngày trướcBài gốc
Dù ít nguy cơ, nhưng không được chủ quan
Động đất là hiện tượng tự nhiên gây ra dao động của đất nền, trong đó động đất do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo vỏ trái đất là loại động đất mạnh, gây chết người, làm sụp đổ nhà cửa, phá hoại các công trình xây dựng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.
Thiết kế công trình chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng.
Trong những năm gần đây, nhiều trận động đất lớn đã xảy ra trên thế giới, làm thiệt hại nặng nề về người, nhà ở và công trình cũng như các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đơn cử, vụ động đất mạnh 7,7 richter tại Myanmar diễn ra vào trưa ngày 28/3 vừa qua, đã gây ra thiệt hại lớn cho đất nước này, khi có hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, trong đó có nhiều bệnh viện, công trình hạ tầng, tòa nhà văn phòng…
Dù cách tâm chấn khoảng 1.000km, Thủ đô Bangkok (Thái Lan) vẫn chịu ảnh hưởng với rung chấn mạnh đến mức làm sập một tòa nhà 30 tầng đang trong quá trình xây dựng, khiến hơn 100 công nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Tại Việt Nam, khoảng 13h30 ngày 28/3, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương... thấy nhà rung chuyển, người dân sống trên các chung cư cao tầng bị chóng mặt như tụt huyết áp. Nhiều người dân đã phải chạy khỏi các cao ốc xuống tầng 1.
Các chuyên gia đánh giá, một số khu vực của Việt Nam đã cảm nhận được rung chấn, nhưng tác động đối với cơ sở hạ tầng và người dân không quá nghiêm trọng. Dù nước ta không nằm trong vùng có hoạt động địa chấn mạnh như Nhật Bản hay Indonesia, nhưng cũng không được chủ quan và cần có những giải pháp cụ thể, thích hợp để hạn chế rủi ro, vì trong lịch sử đã cho thấy nhiều trận động đất với cường độ từ vừa đến rất mạnh từng xảy ra ở nhiều khu vực trên dải đất hình chữ S.
Theo Viện Vật lý địa cầu, độ lớn của trận động đất được đánh giá theo thang đo moment 1 - 10 hoặc hơn. Trong đó, các trận động đất nhỏ hơn 4 thường không gây thiệt hại. Từ 4 - 4.9, mặt đất bắt đầu rung chuyển, cảm nhận rõ rung lắc và có thể làm đổ gãy cây cối. Động đất trung bình có độ lớn từ 5 - 5.9 nhà cửa sẽ bị rung chuyển, các bức tường hay các công trình có hiện tượng nứt nhẹ. Hầu hết các trận động đất xảy ra ở Việt Nam đều từ mức này trở xuống.
Từ 6 – 6.9 là động đất mạnh, ở Việt Nam khá hiếm gặp. Lúc này nhà cửa sẽ bị hư hại, một số nhà có kết cấu yếu có thể bị sụp đổ. Từ 7 trở lên là các trận động đất lớn có sức tàn phá trên diện rộng, phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên bề mặt đất như ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023.
Quay trở lại với sự việc ngày 28/3 vừa qua, có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cảm nhận được dư chấn từ các quốc gia lân cận. Nhưng qua diễn biến lần này, dư luận rất quan tâm đến vấn đề các công trình xây dựng của nước ta, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng được thiết kế đủ khả năng chống chịu động đất?
Các công trình đã được tính toán kháng chấn
Theo TS. Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ở nước ta, thiết kế công trình chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng; đặc biệt, trong các khu vực địa chất không ổn định.
Từ lâu, Bộ Xây dựng đã ban hành và tham mưu ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế và xây dựng công trình chịu động đất nhằm đảm bảo an toàn, độ bền vững và khả năng chống chịu của công trình trước tác động của động đất.
Năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất” và được chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 năm 2012. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư tính toán kháng chấn cho công trình.
Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc đảm bảo an toàn công trình. Theo đó, các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.
Năm 2022, QCVN 02:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng cũng đã được ban hành trên cơ sở soát xét QCVN 02:2009/BXD. Quy chuẩn kỹ thuật này quy định số liệu điều kiện tự nhiên áp dụng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam.
Khi thiết kế công trình chịu động đất, đỉnh gia tốc nền tham chiếu tại địa điểm xây dựng được xác định bằng một trong hai cách. Hoặc theo bảng phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu theo địa danh hành chính; Hoặc khi cần chính xác hơn theo Bản đồ phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 (được lưu trữ tại Viện Vật lý địa cầu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Trong QCVN 02:2022/BXD cũng nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt trước thời điểm QCVN 02:2022/BXD có hiệu lực thi hành thì các bước triển khai tiếp theo thực hiện theo quy định của QCVN 02:2009/BXD. Dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt sau thời điểm QCVN 02:2022/BXD có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của QCVN 02:2022/BXD.
“Những giải pháp căn cơ về xây dựng công trình phải được tính toán từ trước. Khi tiến hành xây dựng, các công trình phải được khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn nói trên để đảm bảo được chất lượng, độ bền vững của công trình, đảm bảo an toàn cho người, góp phần bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất ”, TS. Lê Minh Long nhấn mạnh.
Tiến Hào
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/viet-nam-chong-dong-dat-la-yeu-cau-bat-buoc-trong-thiet-ke-cong-trinh-397465.html