Việt Nam có 17 đại học lọt top trường chất lượng tại châu Á. (Nguồn: VNU)
Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) vừa công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2025. Việt Nam có 17 trường lọt vào danh sách này, tăng 2 trường so với lần xếp hạng trước. Hai cái tên này là Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Vinh.
Trường ĐH Duy Tân vẫn xếp thứ hạng cao nhất là 127, nhưng đã giảm 10 bậc so với năm ngoái. Xếp sau đó là ĐH Quốc gia Hà Nội, xếp thứ 161 và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, xếp thứ 184 – cùng tăng trên 20 bậc. Trong top 200 còn có Trường ĐH Tôn Đức Thắng, xếp thứ 199.
17 đại học của Việt Nam lọt bảng xếp hạng châu Á cụ thể như sau:
Xét trong phạm vi khu vực, Trung Quốc dẫn đầu khi có số lượng trường đại học lọt vào top 10 nhiều nhất với 4 đại học, gồm Đại học Kinh Bắc (xếp thứ 1), Đại học Phúc Đán (xếp thứ 5), Đại học Thanh Hoa (xếp thứ 7), Đại học Chiết Giang (xếp thứ 8).
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có 3 trường lọt vào top 10, gồm Đại học Hồng Kông (xếp thứ 2), Đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHK, xếp thứ 6), Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU, xếp thứ 10).
Singapore có 2 trường lọt vào top 10, gồm Đại học Quốc gia Singapore (xếp thứ 3) và Đại học Công nghệ Nanyang (xếp thứ 4).
Trong top 10 còn có một đại học của Hàn Quốc là Đại học Yonsei. Hàn Quốc cũng là nơi có 6 trường đại học nằm trong top 20 khu vực, nhiều nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, Indonesia đã có bước nhảy vọt khi có thêm 30 trường đại học mới vào danh sách này. Trường Đại học Indonesia cũng leo lên vị trí thứ 46 trong bảng xếp hạng.
Còn tại Nhật Bản, trường đại học hàng đầu quốc gia này - Đại học Tokyo, là nơi được giới học giả và nhà tuyển dụng quốc tế đánh giá cao nhất tại châu Á.
Bảng xếp hạng đại học châu Á của QS năm 2025 có 984 đại học đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các tiêu chí sử dụng để đánh giá bao gồm: danh tiếng học thuật, danh tiếng nhà tuyển dụng, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, mạng lưới nghiên cứu quốc tế; chỉ số trích dẫn trên bài báo, tính quốc tế... với tỷ lệ 5-30%, trong đó cao nhất là uy tín học thuật.
Các tiêu chí được QS World University Rankings sử dụng để xếp hạng các trường đại học bao gồm: kết quả nghiên cứu (tỉ lệ các bài báo khoa học được công bố và trích dẫn, danh tiếng học thuật của nhà trường), trải nghiệm học tập (tỉ lệ sinh viên và giảng viên trong từng khoa, số lượng tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên), mức độ liên kết quốc tế (hoạt động phối hợp nghiên cứu quốc tế, lượng sinh viên quốc tế trao đổi hàng năm, số lượng giảng viên người nước ngoài), tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường...
Bảng xếp hạng của QS World University Rankings được đánh giá là uy tín hàng đầu thế giới, bên cạnh các bảng xếp hạng do Times Higher Education và Shanghai Ranking đưa ra.
P.Y