Việt Nam có khả năng vào nhóm nước thu nhập trung bình cao trong năm 2025

Việt Nam có khả năng vào nhóm nước thu nhập trung bình cao trong năm 2025
4 giờ trướcBài gốc
Những bước phát triển mạnh mẽ
Phóng viên (PV): Thưa TS Nguyễn Hồng Quân, năm 1975, đất nước thống nhất nhưng nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ông có thể khái quát bức tranh tổng thể kinh tế đất nước thời kỳ đó?
TS Nguyễn Hồng Quân: Ngày 30-4-1975, nước ta bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ nước Việt Nam thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi ấy, GDP bình quân đầu người đạt 232 đồng, quy đổi tương đương khoảng 80USD; quy mô GDP quy đổi tương đương đạt hơn 3,7 tỷ USD.
Lúc ấy, Việt Nam mới bước qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bom đạn đã hủy hoại nhiều cơ sở kinh tế-xã hội quan trọng. Xuất phát điểm thấp, tiềm lực kinh tế yếu, các thế lực thù địch trong và ngoài nước liên tục chống phá để triệt hạ nền kinh tế non trẻ của nước ta. Vì thế, trong suốt một thời gian sau đó, kinh tế Việt Nam rất khó khăn, tăng trưởng thấp, lạm phát cao.
TS Nguyễn Hồng Quân.
PV: Sau đó, nước ta đã mạnh dạn đổi mới và đạt được những thành công, những bước tiến dài, thưa ông?
TS Nguyễn Hồng Quân: Sau 11 năm khắc phục hậu quả chiến tranh và từng bước tái thiết đất nước, Việt Nam đã tìm ra con đường để phát triển, xây dựng đất nước. Đó là con đường đổi mới, với những tư tưởng quan trọng được xác lập tại Đại hội Đảng lần thứ VI. Có thể nói, Đại hội VI đã mở ra một thời kỳ mới cho đất nước ta-thời kỳ đổi mới.
Nhờ kiên trì đổi mới, thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn. Không chỉ giữ vững được thành quả cách mạng, không những không bị đổ vỡ, nước ta còn vững vàng phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Kết thúc năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.700USD (gấp 58,75 lần năm 1975), quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD (gấp 128,73 lần năm 1975). Quy mô GDP của Việt Nam vươn lên thứ 33 trên thế giới, đưa Việt Nam lọt vào tốp 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á, 4 nền kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đang ngày càng lột xác, trở thành một nước hiện đại, năng động, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. Ảnh: PHẠM HƯNG
Sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới
PV: Năm 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam cũng phải hoàn thành mục tiêu vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của nước ta trong năm nay?
TS Nguyễn Hồng Quân: Chúng ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới của đất nước trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động bất ngờ. Kinh tế thế giới liên tục bị thách thức bởi khủng hoảng, dịch bệnh, xung đột quân sự, căng thẳng thương mại và nguy cơ chiến tranh thương mại đang hiện hữu. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, người Việt Nam luôn kiên cường và luôn tìm ra cơ hội để vượt qua, để phát triển khi gặp khó khăn. Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta vẫn sẽ thực hiện được các mục tiêu phát triển đã đặt ra.
Nếu chúng ta duy trì được tốc độ phát triển như năm trước, quy mô GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ vượt mốc 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người sẽ vượt mốc 5.000USD. Trong những năm gần đây, tỷ trọng tổng thu nhập quốc dân và tổng sản phẩm nội địa (GNI/GDP) thường ở mức khá cao, từ 95% đến 98%. Do vậy, GNI bình quân đầu người của nước ta trong năm 2025 hoàn toàn có thể vượt mức 4.750USD. Như vậy, Việt Nam có khả năng hoàn thành mục tiêu vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
PV: Ông vừa nhắc tới rất nhiều khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về khả năng nước ta sẽ vượt qua được những chông gai trước mắt?
TS Nguyễn Hồng Quân: Trước hết, nội tại nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết triệt để để thổi bùng được toàn bộ sức sản xuất, khai thác được mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân. Về điều này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua luôn có những động thái rất quyết liệt. Với những gì chúng ta đã và đang chứng kiến, như việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm thuế/phí, sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành những cơ sở dữ liệu lớn..., chắc chắn nước ta sẽ giải quyết được những vấn đề đã cản trở sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua.
Còn về tình hình thế giới, nổi lên thời gian gần đây là chính sách thuế quan của Mỹ. Nước ta không lựa chọn đối đầu với Mỹ, mà lựa chọn đàm phán để đi đến sự thống nhất chung vì lợi ích hài hòa, chính đáng của cả hai nước, của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Các chuyên gia kinh tế đều thấy rằng, không thể đưa mọi thứ về một quốc gia để sản xuất, nhất là ở nơi có chi phí sản xuất cao, vì như thế giá cả hàng hóa sẽ cao. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang có lợi thế trong sản xuất ở nhiều mặt hàng. Do đó, các nền kinh tế vẫn luôn cần nhau. Dù một quốc gia có năng lực sản xuất, công nghệ ưu việt, tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở trình độ cao đến đâu cũng không thể tự đóng cửa sản xuất theo mô hình tự cung tự cấp. Việc dựng rào cản thuế quan ở mức quá cao để bảo hộ cho sản xuất nội địa sẽ chỉ khiến giá cả hàng hóa leo thang. Điều đó không tốt cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Với thiện chí đến từ cả hai bên, tôi tin Việt Nam và Mỹ sẽ tìm ra được tiếng nói chung và sẽ có một mức thuế phù hợp với lợi ích của cả hai nước, doanh nghiệp và người dân mỗi nước.
Tất nhiên, chúng ta còn có rất nhiều hiệp định thương mại tự do khác nữa. Vì thế, tôi tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn trước mắt để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sau mốc thời gian kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
CHIẾN THẮNG (thực hiện)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/viet-nam-co-kha-nang-vao-nhom-nuoc-thu-nhap-trung-binh-cao-trong-nam-2025-824683