PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cùng ekip thực hiện kỹ thuật TAVI cho người bệnh
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, bệnh hẹp van động mạch chủ có triệu chứng thường âm thầm, dễ nhầm lẫn với suy nhược tuổi già. Chỉ đến khi xuất hiện đau ngực, khó thở, ngất xỉu hoặc đột quỵ, người bệnh mới được chẩn đoán và can thiệp – khi đó, nguy cơ tử vong trong 2–3 năm có thể lên tới 60–70%.
“Ngay cả ở người bệnh chưa có triệu chứng, nếu siêu âm tim đã xác định hẹp van động mạch chủ nặng, nguy cơ đột tử vẫn tồn tại. Vì vậy, can thiệp kịp thời là yếu tố sống còn,” PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50–80 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, trong đó khoảng một nửa được điều trị bằng phẫu thuật thay van động mạch chủ (SAVR) và một nửa được can thiệp bằng phương pháp TAVI – thay van qua ống thông.
Phẫu thuật kinh điển (SAVR) là lựa chọn tối ưu cho người bệnh dưới 65 tuổi. Ưu điểm lớn là khả năng xử lý đồng thời các bệnh lý tim mạch phối hợp (như giãn động mạch chủ, bệnh van hai lá, rung nhĩ...) và giúp hoạch định điều trị dài hạn. Nếu tuổi thọ của người bệnh dự kiến dài hơn tuổi thọ của van sinh học, thì việc chọn mổ ở lần đầu sẽ giúp dễ dàng can thiệp TAVI ở lần thay van sau, khoảng 12–15 năm sau đó.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định báo cáo tại hội nghị
Ngược lại, TAVI là lựa chọn ít xâm lấn, phù hợp với người bệnh lớn tuổi, có nhiều bệnh lý kèm theo hoặc nguy cơ phẫu thuật cao. Kỹ thuật này không cần mở ngực, thời gian can thiệp ngắn, hồi phục nhanh, người bệnh có thể xuất viện sau 3–5 ngày. Tuy nhiên, TAVI cũng có giới hạn: cấu trúc giải phẫu không phù hợp, van hai mảnh, hẹp mạch máu ngoại biên hoặc kỳ vọng sống quá dài đều là yếu tố cần cân nhắc. Ngoài ra, TAVI chi phí cao hơn SARV và chưa được bảo hiểm y tế chi trả toàn phần.
“Việc lựa chọn TAVI hay SAVR không đơn thuần dựa trên kỹ thuật, mà phải xem xét toàn diện tuổi tác, bệnh lý nền, cấu trúc tim, điều kiện kinh tế và đặc biệt là kỳ vọng sống. Chúng tôi không chỉ điều trị cho hiện tại, mà còn tính đến những gì có thể làm cho người bệnh sau 10–15 năm nữa. Đó mới là điều trị bền vững", PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định chia sẻ.
Hội nghị khoa học Vietnam Valves 2025, do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phối hợp với Hội Phẫu thuật Lồng ngực Tim mạch Việt Nam, Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam và Đại học Yonsei (Hàn Quốc) tổ chức, là sự kiện khoa học đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) – một trong những phương pháp điều trị hiện đại nhất trong lĩnh vực tim mạch can thiệp.
Các đại biểu tham dự
Hội nghị quy tụ hơn 500 chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, mang đến những cập nhật khoa học quan trọng và các thống nhất chuyên môn có ý nghĩa chiến lược đối với hệ thống điều trị bệnh van tim tại Việt Nam. Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội nghị Vietnam Valves 2025 kỳ vọng hội nghị sẽ trở thành diễn đàn học thuật thường niên, góp phần đưa TAVI trở thành một phần tất yếu trong hệ thống điều trị hiện đại, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong khu vực.
Theo THÀNH SƠN/Báo Sài Gòn Giải Phóng
Link bài viết gốc