Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân
6 giờ trướcBài gốc
Cùng thời điểm này, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương đã đăng tải bản Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để xin ý kiến tham vấn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó có đưa ra các nghiên cứu về khả năng phát triển của nguồn điện hạt nhân cũng như kế hoạch tiến độ hoàn thành 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận I và II (tổng công suất 4.800MW) dự kiến trong giai đoạn 3031-3035.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy nhanh tiến độ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2. Song, cũng cần phải giải quyết ngay những thách thức để có thể sớm khởi công được các dự án này.
Có rất nhiều thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) ở Việt Nam thời điểm hiện nay, đó là khẳng định của chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam). Đó là sự phát triển nguồn ĐHN trên thế giới trong tiến trình chuyển dịch năng lượng, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), ĐHN là nguồn điện nền quan trọng thích ứng với những thất thường của thời tiết, của biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa - KT)
Trên bình diện quốc tế, tại Hội nghị thượng đỉnh COP28 vào năm 2023, ĐHN đã được công nhận là nguồn phát điện xanh quan trọng, không phát thải CO2 khi vận hành. Ở trong nước, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định tái khởi động dự án ĐHN Ninh Thuận để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, tiến tới đích Net-zero vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Chuyên gia Sơn Hà Đăng đánh giá cao vai trò của ĐHN đối với hệ thống điện Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn: “Áp lực rất lớn đối với ngành điện bởi chúng ta thấy rằng tất cả những định hướng hiện nay của chúng ta đều là vào những ngành công nghiệp như là số hóa, trung tâm bán dẫn, trung tâm dữ liệu, AI… Tất cả những ngành công nghiệp đi theo xu hướng 4.0 của chúng ta đều đòi hỏi là sử dụng nhiều điện và điện là phải chất lượng cao và đảm bảo sạch. Thế thì đưa các nguồn điện hạt nhân vào trong cơ cấu nguồn để thay thế - thứ nhất là giảm phát thải khí nhà kính, thứ 2 là giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch”.
Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Nguyên Ủy ban KHCN môi trường của Quốc Hội, Việt Nam đã có những điều kiện tương đối thuận lợi khi đã từng thực hiện chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN. Việc tái khởi động các dự án ĐHN Ninh Thuận 1 & 2 sẽ giảm được rất nhiều công việc, từ khảo sát lựa chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng, kể cả kinh nghiệm trong việc lựa chọn các nhà đầu tư, đào tạo chuyên gia về công nghệ và an toàn… Đây chính là điều kiện để có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị so với trước đây.
“Chúng ta cũng đã có nhiều công việc đã tiến hành, trong bối cảnh mới thì tiềm lực và nhất là về tài chính cũng như về khoa học công nghệ thì chúng ta có nhiều điểm mạnh hơn cách đây khoảng hơn 10 năm - khi thông qua Nghị quyết xây dựng 2 cụm năng lượng hạt nhân ở Ninh Thuận. Tôi cho rằng là nhiều điều kiện chúng ta có thuận lợi hơn. Đương nhiên về mặt quản lý nhà nước và vấn đề vận hành các nhà máy điện nguyên tử cũng là một thách thức với chúng ta” - TSKH. Nghiêm Vũ Khải nói.
Năng lượng sạch đang là một yêu cầu được đặt ra (Ảnh: KT)
Đồng quan điểm này, nguyên Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, rất nhiều thách thức để có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án điện hạt nhân trước năm 2031 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, phải củng cố ngay các cơ sở pháp lý cho phát triển ĐHN ở Việt Nam.
“Đầu tiên chúng ta nên bổ sung vào Quy hoạch điện VIII về các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, không chỉ ở Ninh Thuận. Chúng ta mở rộng Ninh Thuận cộng với có thể tìm kiếm thêm một vài địa điểm nào có thể phù hợp. Đồng thời là chúng ta phải ngay lập tức đi làm việc với các đối tác, kể cả các đối tác trước đây đã từng hợp tác với chúng ta làm điện hạt nhân Ninh Thuận, đó là Liên bang Nga và Nhật Bản, có thể tìm thêm những đối tác mới tiềm năng và họ có cả kinh nghiệm và tiềm lực/quyền lực trong lĩnh vực hạt nhân, với sự tư vấn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA)” - ông Nguyễn Quân nêu ý kiến.
Song song với việc đó thì chúng ta phải khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là về các chuyên gia công nghệ và chuyên gia an toàn để làm chủ được công nghệ điện hạt nhân, có thể sau này chúng ta còn có thể tự làm nhiên liệu hạt nhân, rồi chúng ta có thể xử lý được chất thải hạt nhân, chúng ta có thể nâng cao mức độ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
Cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ lựa chọn hai tập đoàn kinh tế Nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn công nghiệp năng lượng Việt Nam (Petrovietnam) xây dựng hai dự án điện hạt nhân đầu tiên cũng là để tăng cường nguồn lực cho các dự án này. Song, với Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây EVN đã triển khai nhiều bước cơ bản. Do vậy, khi chuyển sang cho Petrovietnam thì cần khẩn trưởng triển khai thực hiện ngay các bước chuyển giao, tiếp nhận để chỉnh lý, bổ sung cho kịp thời.
Một trong các thách thức lớn nhất về nguồn nhân lực, theo các chuyên gia, hiện nay trong số khoảng 500 cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đã được đào tạo về chuyên ngành điện hạt nhân vẫn còn khoảng hơn 100 người đang công tác tại các đơn vị của EVN hoặc các doanh nghiệp ngoài ngành, cần khẩn trương có cơ chế để “thu nạp” và đào tạo lại, tận dụng nguồn nhân lực này. Cùng với đó, phải nhanh chóng sửa đổi Luật năng lượng nguyên tử cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng: “Chúng ta cũng phải đặt mục tiêu tham vọng một chút, tức là không phải ngay bây giờ, không phải là trong kỳ họp sắp tới, nhưng ít nhất cũng phải đặt mục tiêu là vào cuối năm chúng ta phải hoàn thiện được, phải hoàn thành xong được nhiệm vụ đó. Bởi vì khi có căn cứ pháp luật như vậy thì nó sẽ dễ dàng hơn cho các cơ quan thực thi để người ta có căn cứ để làm việc với các đối tác cung cấp giải pháp liên quan đến điện hạt nhân, các nhà máy điện hạt nhân như thế nào. Bởi vì trong trường hợp này nó là cơ chế rất đặc thù. Riêng lĩnh vực điện hạt nhân bản thân nó đã là một lĩnh vực rất đặc thù rồi. Thì nó đòi hỏi các cơ chế chính sách, rồi những cách thức đàm phán hay là lựa chọn quốc gia cung cấp công nghệ, công nghệ nào, rồi mua như thế nào, chi phí bao nhiêu… đánh giá tất cả mọi vấn đề này nó cũng phải được cân nhắc xem xét và cơ chế đặc thù”.
Cũng theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, kinh nghiệm thực tế để hoàn thành một nhà máy điện hạt nhân của thế giới theo thông lệ là từ 8-10 năm. Một số nhà máy cũng đã có tiến độ hoàn thành nhanh hơn, từ 5-6 năm với điều kiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu về hành lang pháp lý, mặt bằng đã được hoàn thiện. Vì vậy, ông tin tưởng, nếu các hạ tầng pháp lý, mặt bằng được hoàn thành trong năm nay (2025), cùng với các chỉ đạo quyết liệt như dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối thì khả năng tiến độ 5-6 năm hoàn thành 2 dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam (trong giai đoạn 2031 - 2035) như Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch Điện 8 Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến hoàn toàn có thể đạt được.
Nguyên Long/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-co-nhieu-co-hoi-day-nhanh-tien-do-du-an-dien-hat-nhan-post1153113.vov