Phát biểu tại hội thảo, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành hàng không dân dụng Việt Nam với việc áp dụng các nền tảng số dùng chung. Hãng hàng không quốc gia Việt nam đã xây dựng văn hóa số của hãng và đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không số vào năm 2025.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo các vấn đề nghiêm trọng về chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động của các hãng hàng không năm 2025; làm tăng chi phí và hạn chế tăng trưởng. Đó là độ tuổi trung bình của đội tàu toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục là 14,8 năm, tăng đáng kể so với mức trung bình 13,6 năm trong giai đoạn 1990-2024.
Lượng máy bay giao đã giảm mạnh so với mức đỉnh điểm là 1.813 máy bay vào năm 2018. Ước tính lượng máy bay giao năm 2024 là 1.254 máy bay, giảm 30% so với dự đoán trước đó. Năm 2025, lượng máy bay giao dự kiến sẽ tăng lên 1.802, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó là 2.293 máy bay giao, với khả năng điều chỉnh giảm thêm vào năm 2025 được cho là khá khả thi.
Hanoi Aviation Forum 2024 bàn thảo về những thách thức và giải pháp phát triển ngành hàng không Việt Nam.
Cùng đó, số lượng tồn đọng (tổng số đơn đặt hàng chưa hoàn thành) đối với máy bay mới đã đạt 17.000 máy bay, mức cao kỷ lục. Với tốc độ giao hàng hiện tại, sẽ mất 14 năm để hoàn thành, gấp đôi mức tồn đọng trung bình sáu năm trong giai đoạn 2013-2019. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi dự kiến sẽ rút ngắn khi tốc độ giao hàng tăng lên.
Bảo đảm an ninh mạng hàng không đang là thách thức lớn nhất mà hàng không thế giới sẽ phải đối mặt trong tương lai và thể hiện rất rõ ràng trong quá trình chuyển đổi số hoạt động hàng không dân dụng. Bởi vậy, việc sử dụng các nền tảng số dùng chung sẽ dẫn tới việc Việt Nam phải đồng bộ hóa hệ thống trang thiết bị và tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu dùng chung.
Cục Hàng không Việt Nam nhận thức rõ các thách thức này và đã chủ động triển khai, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể là ban hành Kế hoạch tuyên truyền, củng cố và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030.
Tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải Việt Nam tích hợp các nội dung về an ninh mạng hàng không vào Chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia Việt Nam.
Gian hàng tham gia trưng bày tại hội thảo.
Nhấn mạnh về điều kiện địa chính trị thế giới nhiều biến động đã tác động mạnh tới lĩnh vực hàng không, tuy nhiên, ông Stephan Castet - Giám đốc Điều hành Công ty Advanced Business Events (ABE) cho rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp hàng không.
"Việt Nam đã có những công ty hàng không mạnh, có quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây chính là tài sản để các bạn phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hàng không. Công ty Advanced Business Events sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xác định cơ hội, xác định khách hàng và nhà cung cấp trên lĩnh vực này", ông Stephan Castet nói.
Tại hội thảo các diễn giả đã giới thiệu về thị trường, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam tới các doanh nghiệp trong mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cao cấp của ngành hàng không trên thế giới và các doanh nghiệp Việt Nam. Phổ biến, giới thiệu sản phẩm, mô hình, trang thiết bị, công nghệ, năng lực sản xuất, đào tạo nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, logistic… của thành phố Hà Nội và cả nước trong việc sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng lĩnh vực công nghiệp hàng không cao cấp toàn cầu.
Hà Anh