Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội để phục hồi bền vững

Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội để phục hồi bền vững
11 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
Gần đây, ADB đã đưa ra dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 và năm 2026. Đâu là căn cứ cho dự báo này, thưa ông?
Năm 2024, tăng trưởng GDP được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, với xuất khẩu tăng 15,5% và giải ngân vốn FDI tăng 9,4%. Tăng trưởng tiêu dùng trong nước vẫn ổn định ở mức 6,6%, mặc dù yếu hơn một chút so với mức tăng trưởng GDP.
Năm 2025, môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn đáng kể, gây áp lực giảm tăng trưởng. Nhu cầu bên ngoài và FDI hướng đến xuất khẩu dự kiến sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn, có khả năng đóng góp ít hơn vào tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu của mình, Việt Nam cần tập trung vào việc cân bằng các động lực của nền kinh tế.
Thực hiện hiệu quả đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng. Được coi là một biện pháp kích thích tài khóa, đầu tư công nên được ưu tiên, vì Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa với tỷ lệ nợ công trên GDP đang dưới 36%, trong khi giới hạn là 60%.
Đẩy nhanh đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng lớn vừa là nhu cầu cấp thiết, vừa là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, kích thích nhu cầu và tạo việc làm. Việc này sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nước, thúc đẩy đầu tư cũng như tiêu dùng của khu vực tư nhân. Đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể tăng khi các cải cách được tiếp tục, trong bối cảnh vốn FDI có dấu hiệu chậm lại và có thể giảm trong năm nay.
Ngoài ra, thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng là một động lực quan trọng khác nhằm kích cầu. Việc này có thể đạt được thông qua các biện pháp tài khóa như giảm thuế và chi tiêu xã hội, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ thích ứng để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp có thể hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế, xét trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu yếu.
Việc đẩy nhanh đa dạng hóa xuất khẩu bằng cách mở rộng xuất khẩu sang các thị trường bên ngoài Hoa Kỳ, đặc biệt với các mặt hàng như điện tử, dệt may và nông sản, dự kiến sẽ giảm bớt thách thức do gián đoạn thương mại toàn cầu, leo thang thuế quan. Trong khi thị trường toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với những thách thức trong giai đoạn 2025-2026, thì đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo ra giá trị trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, qua đó cải thiện hiệu quả xuất khẩu.
Những thách thức chính đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là gì, thưa ông?
Dựa trên việc xem xét các động lực tăng trưởng tiềm năng trong năm 2025 và những năm tới, chúng tôi nhận thấy một số thách thức đang nổi lên, đòi hỏi phải có các biện pháp chủ động và dài hạn để giải quyết một cách bền vững.
Thứ nhất, việc theo dõi và ứng phó với những bất ổn kinh tế toàn cầu là rất quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam. Là một nền kinh tế có độ mở thương mại cao, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động trong dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu do xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gây ra.
Sự dễ bị tổn thương này đặc biệt rõ khi đối mặt với thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ và sự leo thang từ các đối tác thương mại của nước này. Việc tăng thuế quan chưa từng có có thể dẫn đến sự phân mảnh thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng mới và gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu.
Những diễn biến này có thể làm giảm xuất khẩu và khó thu hút đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như điện tử, máy móc, may mặc và giày dép.
Thứ hai, việc thích ứng với biến đổi khí hậu là rất quan trọng để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng. Đường bờ biển rộng lớn và sự phụ thuộc vào nông nghiệp khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các diễn biến thời tiết khắc nghiệt và tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng.
Những thách thức về môi trường này có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho kết cấu hạ tầng và tài sản, đồng thời ảnh hưởng xấu đến năng suất ngành nông nghiệp, dẫn đến hạn chế hiệu quả kinh tế nói chung.
Ông kỳ vọng gì về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam?
Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, nhưng có khả năng, biện pháp này, kết hợp với bất kỳ mức thuế quan có đi có lại nào cuối cùng được áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, sẽ gây áp lực đáng kể lên tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, cũng như hiệu quả hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Khi hàng hóa của Việt Nam phải chịu mức thuế quan cao, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ giảm do hai lý do chính.
Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu từ khách hàng Hoa Kỳ giảm do giá cao hơn.
Thứ hai, sự cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia khác có mức thuế quan thấp hơn.
Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác không thể bán hàng cho Hoa Kỳ, cùng với sự sụt giảm nhu cầu chung do tăng trưởng toàn cầu thấp hơn. Ở một mức độ nhất định, rủi ro tăng trưởng chậm lại có thể làm tăng áp lực lên việc làm, giảm thu nhập và ảnh hưởng không cân xứng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Để ứng phó, các nhà xuất khẩu tại Việt Nam có khả năng sẽ chuyển hàng sang Hoa Kỳ trước ngày thuế có hiệu lực để tránh mức thuế quan cao hơn, trong khi chờ đợi sự rõ ràng hơn về tác động đối với các đơn hàng sau khi mức thuế quan mới có hiệu lực.
Với dòng vốn FDI vào Việt Nam thì sao, thưa ông?
Nếu triển vọng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường khác trở nên kém hấp dẫn hơn, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài định hướng xuất khẩu có trụ sở tại Việt Nam có thể tính đến việc dịch chuyển sản xuất. Thay đổi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành xuất khẩu, bao gồm cả chất bán dẫn và điện tử. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư có thể hoạt động cầm chừng để xem tình hình diễn biến và ổn định như thế nào trước khi quyết định các động thái tiếp theo.
Để tăng cường sức hấp dẫn đối với vốn FDI, Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế. Việt Nam có thể biến những thách thức thành cơ hội để phục hồi tăng trưởng bền vững trong dài hạn thông qua sự kết hợp của nhiều biện pháp.
Đầu tiên, Việt Nam có thể cân bằng sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài bằng cách thúc đẩy nhu cầu trong nước, cả tiêu dùng và đầu tư, từ cả khu vực công và tư. Cách tiếp cận này cũng có thể giải quyết các mối quan ngại về tính bao trùm và đẩy mạnh tăng trưởng trên diện rộng hơn, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh và giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.
Sau nữa, Việt Nam có thể tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả bằng cách giảm chi phí kinh doanh và giao dịch xuyên biên giới. Chiến lược này nhằm mở rộng mạng lưới thương mại của nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng danh sách ngày càng tăng các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chính trên thế giới.
Thanh Tùng
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/viet-nam-co-the-bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-de-phuc-hoi-ben-vung-d284134.html