Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Không nên quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn PV TTXVN. Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN
Mục tiêu tăng trưởng 8% đề ra cho năm 2025 là một thách thức lớn. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực quyết tâm và cả hệ thống chính trị đoàn kết thống nhất để thực hiện mục tiêu này, nhưng bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay diễn biến phức tạp và khó lường. Các tổ chức tài chính quốc tế như IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc, đặc biệt là thương mại thế giới suy giảm do chiến tranh thương mại giữa các nước, đặc biệt là từ tuyên bố về chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên quá chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà đặc biệt chú trọng xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chúng ta cần tập trung vào ba nhóm đột phá chiến lược. Về thể chế, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Từ đó, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng và công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: sân bay Long Thành và đường sắt cao tốc Bắc Nam. Về nguồn nhân lực, cần thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ công.
Cùng với đó là ba đột phá về tư duy chiến lược, gồm: cải cách bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, minh bạch và phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; quản lý và phát triển kinh tế tư nhân xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó là tận dụng các thế mạnh tiềm năng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản. Về du lịch tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và con người để phát triển du lịch bền vững, thu hút khách quốc tế… Đặc biệt, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao như: tài chính, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, logistics, trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ khu vực và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Việt Nam cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, áp dụng các biện pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân để kích thích chi tiêu của người dân.
Cùng với đó, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công và theo đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao.
Ngoài ra, đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách tìm kiếm thêm thị trường mới và giữ vững thị trường truyền thống; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Tái cấu trúc, phát huy nội lực của nền kinh tế
Với mức tăng trưởng GDP trong quý I/2025 đạt 6,93%, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm 2025 sẽ đạt được 8% trở lên. Bởi lẽ, tăng trưởng quý I có sự đóng góp đều của cả 3 khu vực, thu ngân sách rất cao và điều này chứng tỏ rằng tiềm lực nền kinh tế là khá tốt.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động thương mại quốc tế của hầu hết các nền kinh tế; đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Rõ nhất hiện nay là các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất được phản ánh qua chỉ số PMI (đo mức độ hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ trong một nền kinh tế) tháng 4 xuống mức 45,6 điểm. Chính vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 8% đặt ra từ nay cuối năm là một thách thức và điều này phụ thuộc rất lớn vào kết quả đàm phán về chính sách thuế quan giữa Việt Nam với Mỹ tới đây.
Tôi kỳ vọng, có thể sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, phải tái cấu trúc và phát huy nội lực của nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến động lực tăng trưởng từ đầu tư (đầu tư công, đầu tư ngoài Nhà nước và FDI). Động lực này sẽ tạo sự lan tỏa đến các ngành sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm thúc đẩy tiêu dùng.
Nhận thức được vai trò quan trọng của đầu tư công đối với mục tiêu tăng trưởng, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho 2.212 dự án đang bị ách tắc với số vốn lên tới 5,9 triệu tỷ đồng.
Cùng với động lực đầu tư, tiêu dùng trong nước cũng là động lực tăng trưởng quan trọng. Minh chứng cho thấy, trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, nền kinh tế đã thu hút được một lượng khách du lịch quốc tế và trong nước rất lớn. Do đó, cần có chính sách tài khóa và tín dụng để thúc đẩy tiêu dùng.
Thúy Hiền - Thùy Dương (TTXVN)