Đó là khuyến nghị của ông Nguyễn Xuân Thơ, Cố vấn Giải pháp thông minh của Công ty Digiwin Software Vietnam, có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp trên lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
“Bài toán” lớn của doanh nghiệp Việt
Chuyên gia của Digiwin lưu ý, nhiều năm trước, Việt Nam chưa nắm được công nghệ cơ bản, nền tảng, công nghệ lõi, vì thế chưa có nhiều sản phẩm thực sự nổi trội để cộng đồng thế giới biết đến.
Ngay cả những doanh nghiệp ô tô lớn của Việt Nam, tỷ lệ phần trăm “Make in Vietnam” còn khá thấp, phần lớn phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện về lắp ráp lên sản phẩm.
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là một cách hay để vươn tầm quốc tế.
Thế nhưng, thử nhìn vào chuỗi cung ứng của Tesla hiện tại, vẫn chưa có doanh nghiệp Việt nào tham gia cung cấp các chi tiết chính.
Mới có 1 doanh nghiệp là An Phát Xanh, cung cấp một số chi tiết nhựa, nhưng không rõ sản lượng và doanh thu thực sự là bao nhiêu.
Một đất nước có tiềm lực dân số lớn như Việt Nam mà chưa thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá thành, kỹ năng quản trị, ứng dụng công nghệ số… để tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu thì thật đáng tiếc. Chúng ta cần phải tập trung hơn vào các yếu tố kỹ thuật, đầu tư mạnh hơn cho R&D (nghiên cứu và phát triển), tăng hiệu quả quản lý chất lượng, tăng khả năng tuân thủ…
Ông Nguyễn Xuân Thơ, Cố vấn Giải pháp thông minh của Công ty Digiwin Software Vietnam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhìn sang Đài Loan (Trung Quốc)
Trong khi đó, nhìn vào hơn 20 thương hiệu cung cấp các chi tiết chính của xe Tesla, từ hệ thống đầu não điều khiển đến vỏ bên ngoài, hệ thống điện…, có bóng dáng của rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp.
Có 1 doanh nghiệp nhỏ của Đài Loan (Trung Quốc), tham gia gián tiếp qua Panasonic để cung cấp pin cho Tesla (doanh nghiệp này đã phải trải qua 3 năm để Panasonic kiểm định, giám sát khả năng đáp ứng loạt tiêu chuẩn khắt khe không chỉ trong quá trình vận hành sản xuất mà cả về chế độ đãi ngộ, các vấn đề an sinh xã hội).
Để vào được chuỗi cung ứng của các hãng lớn toàn cầu là chuyện vô cùng khó khăn. Vậy các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đã làm cách nào?
Nhìn lại cả giai đoạn dài từ năm 1950 đến 2020, kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) có sự tăng trưởng liên tục và bền vững, không có bước “hụt chân”. Đặc biệt, giai đoạn gần 1980, năm 2006 và 2010 có sự tăng trưởng vượt bậc.
Ông Thơ cho rằng, có được điều đó là do họ đã nắm bắt tốt cơ hội trong từng giai đoạn phát triển, xây dựng được nền tảng sản xuất chắc chắn, năng lực sản xuất linh hoạt, đảm bảo chất lượng, cộng thêm chính sách hỗ trợ của Chính phủ, định hướng tăng cường hợp tác xuyên biên giới, và không ngừng đổi mới sáng tạo, R&D.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, họ đã có định hướng xuất khẩu, làm chủ công nghệ trong ngành công nghiệp nhẹ. Những năm 70, 80, 90, họ làm OEM (gia công sản phẩm theo yêu cầu và thiết kế của khách hàng), sản lượng tăng vọt. Sau đó họ chuyển sang ODM (gia công sản phẩm từ khâu thiết kế lên mô hình, công thức, sản xuất… cho đến khi ra sản phẩm hoàn chỉnh). Và tiếp theo nữa, dần dần chủ động xây dựng thương hiệu của riêng mình.
Công nghiệp máy móc và xây dựng cũng như vậy. Họ tạo ra những nền tảng công nghiệp cho mình, triển khai ODM thay thế OEM, rồi bán cả máy móc cơ khí chính xác thương hiệu Đài Loan (Trung Quốc).
Trong ngành công nghiệp điện tử, họ cũng từng bước chuyển đổi tương tự: Những năm 60-70, họ OEM linh kiện điện tử. Tiếp đó, TSMC, UMC và nhiều hãng khác tận dụng cơ hội của bán dẫn, chuyển sang ODM các sản phẩm điện tử. Và hiện tại, thương hiệu, sản phẩm điện tử Đài Loan (Trung Quốc) đang ngày càng toàn cầu hóa.
Sau một quá trình các thương hiệu Đài Loan hiện diện trong chuỗi cung ứng của nhiều “ông lớn” công nghệ như IBM, Compaq, Dell, HP, Sony… với tư cách nhà cung cấp, họ đã tích lũy kinh nghiệm, hình thành nên thương hiệu lớn của mình như Asus...
Có thể làm theo cách của Đài Loan (Trung Quốc) không?
“Đài Loan (Trung Quốc) có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội, dân trí… với Việt Nam. Họ nắm được cơ hội đầu tư về khoa học kỹ thuật – công nghệ sớm hơn nhiều so với Việt Nam. Chúng ta đi sau, có thể học hỏi được khá nhiều”, ông Thơ nhìn nhận.
R&D có vai trò rất trọng trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hiểu rõ điều đó, Chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) đã thành lập các viện nghiên cứu rồi hỗ trợ nhân sự, thậm chí chuyển giao cả nhân sự và công nghệ cho các doanh nghiệp.
Khởi đầu là Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ dưới sự quản lý của Bộ Kinh tế từ năm 1974. Cùng với đó còn có nhiều viện nghiên cứu máy móc thiết bị, vật liệu, sinh học, công nghệ đo lường, ứng dụng nano… Từ năm 2002 lại có thêm các trung tâm chuyển giao công nghệ laze, quang điện tử, dữ liệu lớn (big data)…
Các viện nghiên cứu đã tạo lực đẩy để các doanh nghiệp có thể lớn mạnh nhanh chóng. Nhờ đó mới hình thành nên được những “ông lớn” UMC, TSMC… như hiện nay (lãnh đạo cốt cán của các “ông lớn” này đều xuất thân từ viện nghiên cứu).
“Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm nêu trên của Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không thể đứng ngoài xu hướng thành lập các viện nghiên cứu sinh học, y sinh, bán dẫn, trung tâm AI…”, ông Thơ nhấn mạnh.
Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hơn nhiều trong câu chuyện vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu không có nội tại thực sự đủ mạnh và thiếu chuẩn bị thì cơ hội đến rồi cũng sẽ qua.
Việt Nam có thể tham gia được những chuỗi cung ứng toàn cầu như cách Đài Loan (Trung Quốc) đã làm hay không? Đó là câu chuyện không chỉ của doanh nghiệp mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ và nhiều ban, ngành liên quan.
Trung bình hàng năm Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư khoảng 3,5% GDP cho R&D. Trong khi đó, Việt Nam gần đây mới chỉ ở mức 0,4-0,6%.
Nhìn tiếp sang Hàn Quốc đầu tư hơn 5% cho R&D, Trung Quốc khoảng 2,5%. Nhật Bản cũng hơn 4%. Nếu không đầu tư đúng mức cho R&D thì doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Mình phải từng bước làm chủ công nghệ thì mới tham gia được các chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi rất mong muốn tới năm 2030, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa có thể tham gia chuỗi cung ứng của các hãng toàn cầu, không kể lớn hay nhỏ, trực tiếp hay gián tiếp”, ông Thơ bày tỏ.
Bình Minh