Việt Nam có thêm gần 160.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 9

Việt Nam có thêm gần 160.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 9
3 giờ trướcBài gốc
Theo dữ liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính đến cuối tháng 9, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đã chạm mốc 8,8 triệu, tương đương khoảng 8,8% dân số.
Con số này tăng thêm 158.212 tài khoản so với cuối tháng 8. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong tháng 9 đã chậm lại, giảm 52% so với tháng 8 và ghi nhận mức thấp nhất trong quý 3.
Trong 9 tháng đầu năm, tổng số tài khoản cá nhân trong nước đã tăng thêm 1,57 triệu tài khoản, vượt trội 70% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng, thị trường đón nhận thêm khoảng 174.000 tài khoản giao dịch cá nhân, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Trong tháng 9, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ tăng thêm 90, thấp hơn so với mức tăng 131 tài khoản của tháng 8. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước đã mở thêm 1.136 tài khoản.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, số tài khoản tăng thêm 202 đơn vị trong tháng 9, giảm nhẹ so với mức tăng 255 tài khoản của tháng trước. Trong đó, tài khoản cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài tăng 180 tài khoản, còn số tài khoản tổ chức của nhà đầu tư nước ngoài tăng thêm 22 tài khoản. Hiện tại, tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam đạt 47.206 đơn vị.
Tính đến cuối tháng 9, tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán trên thị trường Việt Nam đã đạt mốc 8,86 triệu đơn vị.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VN-Index đã khép lại tháng 9 ở mức 1.287,94 điểm, ghi nhận mức tăng nhẹ 0,32% so với cuối tháng 8. Khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 643 triệu cổ phiếu mỗi phiên, với giá trị giao dịch trung bình hơn 15.918 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,95% về khối lượng và 3,39% về giá trị so với tháng 8.
Trong tháng 9, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 70.258 tỷ đồng, chiếm 11,61% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Tuy nhiên, khối ngoại đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 2.316 tỷ đồng, phản ánh xu hướng thận trọng của nhóm nhà đầu tư này.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong tháng 10, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, thị trường vẫn gặp cản mạnh ở ngưỡng 1.300 điểm. Trạng thái ngắn hạn đang là sideway với các nhịp tăng giảm xen kẽ. Dù vậy, trong trung hạn, thị trường vẫn đang ở xu hướng tăng.
Tuần đầu tháng 10, dòng tiền đã quay lại nhóm vốn hóa lớn, vốn ngoại quay trở lại mua ròng mạnh củng cố khả năng VN-Index có thể tăng điểm. Tháng 10 kết quả kinh doanh quý 3 được công bố cũng sẽ tạo động lực cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự phân hóa ở các nhóm cổ phiếu.
Mốc 1.300 của VN-Index đang trở thành ngưỡng tâm lý khó vượt qua vì thị trường chưa có câu chuyện mới đủ để tạo sự bứt phá. Nói về mốc này, ông Minh cho rằng nhà đầu tư nên nhìn vào từng nhóm vốn hóa hơn là vào thị trường chung. Bởi các nhóm này đang có sự tăng giảm luân phiên. Khi nhóm vốn hóa lớn tăng thì nhóm vừa và nhỏ sẽ giảm và ngược lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến VN-Index khó vượt ngưỡng này.
Chỉ số sẽ vượt qua ngưỡng 1.300 khi dòng tiền mới xuất hiện và có sự đồng thuận ở hầu hết các nhóm ngành. Nếu VN-Index vượt mốc này, thì khả năng chỉ số lên được 1.350 - 1.400 trong năm nay là không khó. Thêm vào đó, mốc 1.300 sẽ trở thành hỗ trợ cứng cho chỉ số.
Ông Nguyễn Thế Minh đánh giá các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ có tác động tới thị trường trong ngắn hạn, giúp kích thích tâm lý nhà đầu tư hưng phấn. Việc nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu sẽ giúp yếu tố tỷ giá hạ nhiệt. Theo đó, dòng tiền sẽ chảy vào các nhóm thị trường mới nổi và cận biên.
Tuy nhiên, trong dài hạn cần xem xét tác động của các chính sách nới lỏng. Nếu thực hiện nới lỏng tiền tệ mà kinh tế không hồi phục thì sẽ châm ngòi cho đợt suy thoái. Khả năng suy thoái không được kỳ vọng nhưng vẫn tiềm ẩn.
Nói về chiến lược đầu tư, ông Minh cho rằng cơ hội vẫn có nhưng nhà đầu tư đang loay hoay với các đợt tăng giảm của thị trường trong ngắn hạn dẫn tới hiệu quả đầu tư không cao. Ngược lại, VN-Index nhìn chung vẫn đang tăng, do đó, các quỹ mua và nắm giữ từ đầu năm vẫn đang có hiệu suất tốt.
Vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên sử dụng margin trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có giá vốn tốt vẫn nên nắm giữ. Nhà đầu tư đã mua với giá cao thì có thể tận dụng các nhịp giảm để trung bình giá, giảm giá vốn bình quân. Ông Minh nhấn mạnh nhà đầu tư không nên đầu cơ thời điểm này.
Một chiến lược quan trọng có thể áp dụng là đa dạng hóa rủi ro. Từ đầu năm tới nay phương pháp chọn một nhóm ngành để tất tay rất khó kiếm lời. Về mặt cơ cấu, nhà đầu tư nên theo hướng nắm giữ tỷ trọng cao vào nhóm vốn hóa lớn. Kinh tế hồi phục sẽ vốn hóa lớn sẽ tăng theo tạo ra cơ hội đầu tư an toàn. Phần còn lại, nhà đầu tư nên dồn vào các mã vốn hóa vừa và nhỏ.
Khi VN-Index vượt 1.300, nhà đầu tư có thể giải ngân hoặc bắt đầu sử dụng margin.
Về nhóm ngành, nhà đầu tư có thể chọn các ngành ngân hàng, chứng khoán. Định giá PB của nhóm này vẫn chưa quá cao, dư địa tăng vẫn còn. Bán lẻ có thể hưởng lợi từ đà tăng trưởng kết quả quý 3 đi cùng với sự hồi phục của nền kinh tế. Ngoài ra, ông Minh cũng khuyến nghị một số nhóm ngành như vận tải, hóa chất, công nghệ, dịch vụ dầu khí.
Ngân Hà
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/viet-nam-co-them-gan-160000-tai-khoan-chung-khoan-trong-thang-9-post555070.html