Tại sự kiện, ông Vũ Hoàng Liên dẫn báo cáo của Statista cho thấy, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam sẽ liên tục tăng trong giai đoạn 2024-2029. Ước tính đạt 100,19 triệu người dùng vào năm 2029.
Báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google – Temasek công bố mới đây cũng dự báo, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.
Thời gian qua, Việt Nam cũng tiến hành thử nghiệm và triển khai mạng 5G, đẩy mạnh ứng dụng IoT (Internet Vạn vật) trong sản xuất và đời sống, Wifi 6 và 6E bắt đầu được quan tâm. Các nhà cung cấp công nghệ kết nối tiên tiến trên thế giới như Meta, SpaceX… đều đang muốn gia nhập thị trường Việt Nam.
Chủ tịch VIA cho biết, Chính phủ tiếp tục cho thấy sự tích cực trong thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng phổ cập Internet đến vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, Việt Nam xếp thứ năm trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo toàn cầu, theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ” do Oxford Insights thực hiện.
"Với sự sẵn sàng về hạ tầng và quan tâm từ Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm đổi mới trong kỷ nguyên AIoT (sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và mạng lưới vạn vật kết nối Internet). Như vậy, cơ hội mở ra cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là rất lớn. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường với số lượng người dùng Internet tại Việt Nam ước tính đạt 100,19 triệu người dùng vào năm 2029”. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam
IPv6 - điều kiện cần để phát triển IoT
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, trong 5 giai đoạn phát triển của Internet, Việt Nam đang trong giai đoạn thứ tư (Internet of People) và dần chuyển sang giai đoạnt hứ năm với tập trung phát triển các giải pháp IoT.
Để sử dụng và phát triển IoT, việc triển khai IPv6 (Giao thức liên mạng thế hệ 6) là điều tất yếu. Năm 2013, Việt Nam bắt đầu IPv6 đưa vào hoạt động, tuy nhiên ông Thắng cho rằng, giai đoạn 2027-2028 sẽ là giai đoạn bước ngoặt khi Việt Nam tập trung triển khai IPv6 để đến năm 2030 hoàn tất tắt IPv4. Tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam đạt 65,35%, đứng thứ 7 trên toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2023. Hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 40%.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam phát biểu tại sự kiện Internet Day 2024. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Đại diện VNNIC và các đại biểu tham gia hội thảo đều thống nhất rằng, IPv6 có vai trò quan trọng trong phát triển IoT. So với giao thức mạng Internet IPv4 chỉ cung cấp khoảng 4,3 tỷ địa chỉ IP trong khi IPv6 cung cấp 2^128 địa chỉ IP, đủ để cấp phát địa chỉ cho hàng tỷ thiết bị IoT mà không sợ cạn kiệt. Chính vì nguồn cung IPv4 khan hiếm nên chi phí rất cao, còn địa chỉ IPv6 thường có chi phí rất thấp, thậm chí miễn phí do có không gian lên tới hàng tỷ tỷ địa chỉ, gần như không có giới hạn. Hơn nữa, IPv6 được thiết kế để tương thích với các công nghệ hiện đại như 5G, AI và Big Data (dữ liệu lớn), đảm bảo tính bền vững trong dài hạn.
“Do đó, doanh nghiệp cần bắt đầu chuyển đổi và triển khai IPv6 ngay từ bây giờ để tận dụng tối đa các giá trị mà các công nghệ mới như 5G, IoT, điện toán đám mây (cloud), công nghệ chuỗi khối (blockchain)…mang lại,” ông Thắng nói.
Để Việt Nam phát triển bứt phá trong thời đại số, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu một số định hướng chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích doanh nghiệp công nghệ đầu tư mở rộng cáp quang và đảm bảo truy cập Internet cho mọi hộ gia đình Việt Nam. Đồng thời, xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hình thành các trung tâm dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo (AI Data Center).
Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các nền tảng cung cấp công nghệ số IoT, AI, Big data, blockchain, an ninh mạng như dịch vụ. Các nền tảng này sẽ hoạt động như cơ sở hạ tầng mềm thiết yếu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân khai thác công nghệ, giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi người dân Việt Nam trung bình sẽ sở hữu 4 kết nối IoT, đem đến bước tiến quan trọng trong việc kết nối các thiết bị, thu thập dữ liệu và triển khai tự động hóa thông minh trên nhiều lĩnh vực.
Hà Anh