Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cao hơn các nước

Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cao hơn các nước
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 15/5, tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LLGGHB LHQ), Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 1.083 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.
Trong đó, Bộ Quốc phòng cử 1.067 quân nhân, với 6 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 và 3 đội công binh cùng 137 lượt sĩ quan cá nhân. Bộ Công an cử 16 lượt theo hình thức cá nhân. Tỷ lệ nữ của Việt Nam tham gia là trên 16%, cao hơn tỷ lệ nữ của các quốc gia đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình hiện nay (khoảng từ 7 - 8%).
"Liên Hợp Quốc luôn khuyến khích các nước tăng tỷ lệ nữ tham gia hoạt động này", Đại tướng Tân Cương cho biết.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại họp tổ chiều 15/5. (Ảnh: Media Quốc hội)
Theo Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện Việt Nam tham gia LLGGHB LHQ theo hai hình thức đơn vị và cá nhân. Trong đó, đội Công binh có nhiệm vụ xây dựng, cải tạo, sửa chữa căn cứ, hầm hào, bảo dưỡng các công trình, mặt bằng, cầu đường, sân đỗ trực thăng, cung cấp nước, sửa chữa điện, hỗ trợ các hoạt động nhân đạo...
Cùng với đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2 có nhiệm vụ khám chữa bệnh, thu dung cấp cứu điều trị cho bệnh nhân thuộc LLGGHB LHQ trong khu vực phái bộ, phòng chống dịch bệnh tại địa bàn, hỗ trợ y tế cho người dân địa phương. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các bệnh viện dã chiến cấp 2 cũng đã tham gia cấp cứu rất nhiều ca của nhân dân địa phương nước sở tại.
"Mặc dù, điều kiện phương tiện rất khó khăn nhưng lực lượng chúng ta đã cấp cứu thành công 2 ca sản phụ với tình trạng tưởng chừng không thể qua khỏi. Với quyết định cá nhân nhanh, ý chí tập thể và trình độ năng lực, các y bác sĩ đã nối bàn tay gãy của bệnh nhân người Pakistan", Đại tướng Tân Cương nói.
Ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn, các đơn vị Việt Nam còn tham gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn người dân nước sở tại về ăn ở hợp vệ sinh... tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn. Nhiệm vụ này đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp. Người dân tại địa bàn khi thấy lực lượng của Việt Nam thì rất phấn khởi, cùng hát những bài hát về Việt Nam, hô Bác hồ muôn năm... rất xúc động.
Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam tham gia với hình thức sĩ quan tham mưu, quan sát quân sự, điều phối quân sự - dân sự, truyền thông... triển khai ở Trụ sở Liên Hợp Quốc, Cộng hòa Trung Phi... Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, nhất là các đơn vị được triển khai từ 2018 đến nay đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ.
"Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã được Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và cố vấn quân sự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc gửi thư cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam. Đội Công binh được lãnh đạo phái bộ đánh giá đã làm thay đổi diện mạo của phái bộ", Đại tướng Tân Cương tự hào chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, lực lượng Việt Nam dù không nhiều nhưng đã nâng cao được vị thế, uy tín của của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần để các nước tin tưởng Việt Nam hơn và sẽ tiếp tục hợp tác trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Việt Nam đã gặp không ít khó khăn do tình hình an ninh phức tạp, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh nhiều nguy cơ, đời sống nhân dân sở tại rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu; môi trường làm việc quốc tế, đa văn hóa, sắc tộc, yêu cầu tính chuyên nghiệp, độc lập và ngoại ngữ rất cao... Hành lang pháp lý về lĩnh vực này chưa hoàn thiện, chúng ta mới có Nghị quyết của Quốc hội là văn bản pháp lý cao nhất để thực hiện lĩnh vực này thôi, chính vì vậy chúng ta cần phải có luật để làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện cho chặt chẽ hơn", Đại tướng Tân Cương nói.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo luật quy định rất rõ những lĩnh vực, nguyên tắc tham gia và không được tham gia. Hiện chính sách quốc phòng Việt Nam khẳng định "4 không", trong đó không đưa LLGGHB của Việt Nam tham gia liên minh quân sự.
Về chính sách cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu nêu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đưa ra chính sách “cao nhất, tốt nhất” cho lực lượng đặc biệt này.
Sau 11 năm chính thức tham gia lực lượng GGHB LHQ, đến nay, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại các phái bộ của LHQ. Việt Nam đã cử 5 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2, luân phiên tham gia Phái bộ Nam Sudan với 63 quân nhân/lượt. Khám, chữa bệnh cho gần 2.000 lượt người/năm; phẫu thuật cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, không để xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng nào. Đã cử 3 lượt Đội Công binh với 184 quân nhân/lượt, có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng Phái bộ, sửa chữa đường xá, sân bay, các công trình an sinh cho người dân.
Ngoài ra, còn có hàng chục sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam đã làm việc tại các Phái bộ: Nam Sudan, Trung Phi và trụ sở LHQ được đánh giá lực lượng làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, có tinh thần hợp tác cao.
Lê Hoàng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-co-ty-le-nu-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-cao-hon-cac-nuoc-post1199714.vov