Phát biểu tại sự kiện, ông KC Ang cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ông KC Ang dẫn dự báo của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI) cho biết, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.
“Từ thiết kế mạch tích hợp, lắp ráp, thử nghiệm đến đóng gói, Việt Nam có vị trí tốt để tham gia ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị bán dẫn. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vào năm 2050. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và các lãnh đạo ngành chủ chốt, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sáng tạo năng động và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ông KC Ang, Chủ tịch Ban cố vấn khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, trọng yếu mà Việt Nam xác định sẽ tập trung đẩy mạnh.
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược phát triển đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo công thức C = SET + 1. Trong đó, C là chip bán dẫn, S là Specialized (chip chuyên dụng), E là Electronics (công nghiệp điện tử), T là Talent (nhân lực và nhân tài) và +1 thể hiện Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam sẽ tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nỗ lực trở thành điểm đến +1 của các quốc gia, tổ chức trong chuỗi cung ứng, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư, tạo ra sự an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp quốc tế nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là đối tác đáng tin cậy, là nơi lý tưởng để phát triển mở rộng, nghiên cứu,” ông Trung nói.
‘Mỗi sinh viên, kỹ sư là một viên gạch cho ngành bán dẫn’
Tại sự kiện, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới đã thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện ổn định và bền vững hơn. Đây là một cơ hội lớn đối với Việt Nam để trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040.
“Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Để thực hiện kế hoạch này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, 1.300 giảng viên chuyên sâu về bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm cấp quốc gia và cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại học bang Arizona (Mỹ) triển khai chương trình đào tạo tại Việt Nam với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025.
“Chúng tôi tin tưởng rằng với nền tảng đào tạo trình độ cao và sự tham gia của các đối tác uy tín, mỗi sinh viên, mỗi kỹ sư sẽ là một viên gạch xây dựng nên tòa nhà công nghiệp bán dẫn Việt Nam vững chắc”. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Đánh giá chiến lược đào tạo nhân lực bán dẫn của Việt Nam nói trên, bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, Việt Nam có nền tảng vững chắc từ giáo dục phổ thông, bước tiếp theo là đầu tư cho giáo dục đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
“Con đường phía trước của Việt Nam tương đối rõ ràng với các mục tiêu quan trọng, nhất là phát triển nguồn nhân lực cao. Đây là cách Việt Nam có thể chuyển mình từ một trung tâm chế biến chế tạo thành trung tâm công nghệ cao của thế giới,” bà Mariam Sherman nhận định.
Hà Anh