Quang cảnh cuộc hội thảo. Ảnh: Đại sứ quán cung cấp.
Đây là khẳng định của Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico Nguyễn Nam Quân trong hội thảo về chính sách do Ủy ban Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Mexico (ACMC) phối hợp cùng Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM) tổ chức ngày 16/5 tại UNAM – cơ sở giáo dục đại học có quy mô lớn nhất khu vực Mỹ Latinh.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, diễn ra ở Giảng đường Khoa sau đại học (FES Acatlán) thuộc UNAM, bên cạnh đại diện phái đoàn ngoại giao các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Mexico, hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu, cùng nhiều tham luận sâu sắc liên quan đến chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế và văn hóa của các nước ASEAN.
Phát biểu tại phần thảo luận về chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam, Đại biện Nguyễn Nam Quân nêu rõ kinh tế tư nhân tại Việt Nam chính thức được công nhận và khuyến khích phát triển từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986 khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới. Đến nay, sau gần 40 năm, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Nam Quân, đến nay, với hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 82% tổng số lao động. Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Liên quan vai trò của Việt Nam trong chương trình nghị sự dung hợp của ASEAN, Đại biện Nguyễn Nam Quân nhấn mạnh Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các chính sách và sáng kiến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cũng như tích cực nâng đỡ các cộng đồng còn lạc hậu và ít được quan tâm.
Đại diện Ủy ban Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Mexico (ACMC) và lãnh đạo Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) chụp ảnh chung. Ảnh: Đại sứ quán cung cấp.
Cụ thể, SME tại Việt Nam được hỗ trợ thông qua các chương trình và chính sách khác nhau của Chính phủ để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, công nghệ và thị trường, đặc biệt là giảm rào cản hành chính, ưu đãi thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới. Những nỗ lực này phù hợp với Kế hoạch hành động chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN (2016–2025), thúc đẩy một hệ sinh thái hỗ trợ cho các SME trong khu vực.
Bên cạnh giới thiệu về các chính sách kinh tế của Việt Nam, tại hội thảo, Đại biện Nguyễn Nam Quân cũng giới thiệu tham luận của Đại sứ quán Việt Nam với chủ đề “ASEAN cần làm gì để bảo vệ thương mại nội khối trong bối cảnh các tuyên bố về bảo hộ lại đang nổi lên trên quy mô toàn cầu”.
Theo đó, tham luận nêu rõ bằng cách áp dụng một chiến lược nhiều mặt bao gồm tăng cường hội nhập khu vực, đa dạng hóa quan hệ đối tác về kinh tế, thương mại - đầu tư, ASEAN có thể biến các thách thức thương mại hiện nay thành cơ hội cho tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Tại hội thảo, đại diện các phái đoàn ngoại giao ASEAN tại Mexico cũng đóng góp nhiều tham luận về chính sách, trong đó đáng chú ý là tham luận “Làm thế nào để tăng cường đoàn kết trong ASEAN trong một thế giới phân mảnh” của Đại sứ Malaysia Jamal Sharifuddin Johan và “ASEAN cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng bền vững giữa sự hỗn loạn của các chính sách kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng” của Đại sứ Thái Lan Rooge Thammongkolj.
Phi Hùng (TTXVN)