Việt Nam còn nhiều dư địa đạt mục tiêu tăng trưởng cao

Việt Nam còn nhiều dư địa đạt mục tiêu tăng trưởng cao
3 giờ trướcBài gốc
Đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu. Ảnh tư liệu
Vững vàng tăng trưởng trong khó khăn
Trong dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, từ 7 - 7,5%. Với đà tăng này, quy mô nền kinh tế năm 2025 có thể đạt 500 tỷ USD. Nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là dấu mốc quan trọng củng cố vị thế kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Muốn vậy, phải đánh giá kỹ được các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, từ đó mới có cơ sở để phấn đấu cho năm sau. Đến thời điểm này, dự báo tăng trưởng cả năm nay khoảng 7% được cho là “rất khả thi”, sẽ tạo đà và là nền tảng vững chắc cho năm 2025. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu, năm 2024 tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, mục tiêu năm 2024 đạt khoảng 7% “là hoàn toàn trong tầm tay”. Quy mô kinh tế của chúng ta năm 2024 ước 465 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng duy trì từ 6,5 - 7%, quy mô GDP 2025 sẽ vào khoảng 500 tỷ USD, với mức này thì Việt Nam sẽ vươn lên xếp thứ 32 thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN. Với đà tăng trưởng này, GDP bình quân đầu người năm sau ước tính sẽ đạt khoảng 4.900 USD, tăng gần 32% so với năm 2021 và vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, khi giải phóng tối đa những động lực tăng trưởng.
Có rất nhiều động lực cho tăng trưởng, đặc biệt là đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu. Chính phủ đang tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia. Đến nay, cả nước có khoảng 2.000 km đường cao tốc đi vào hoạt động; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là có thể đạt được.
Cùng với đó, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương… Những điểm nghẽn đang được tháo gỡ kịp thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nhiều địa phương, vùng miền.
Kỳ vọng từ những đột phá mạnh mẽ về thể chế
Tuy nhiên, những khó khăn nội tại từ nền kinh tế trong nước cũng như các yếu tố tác động từ bên ngoài cần phải được tính đến. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024.
Các ngành, lĩnh vực động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chíp, bán dẫn… còn chậm, nguy cơ không bắt kịp được với các nước trên thế giới, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy. Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.
Trên thực tế, quy mô nền kinh tế mở rộng, việc tiếp cận những nguồn như vay ưu đãi, vay vốn ODA sẽ ngặt nghèo hơn. Nhưng thực tế này cũng dần thay đổi, khi các tổ chức cho vay ngày càng chú trọng đến nỗ lực nội tại và triển vọng lâu dài của các quốc gia nhận hỗ trợ. Theo ông Sugano Yuichi - Trưởng Đại diện Văn phòng Việt Nam của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA Việt Nam), Chính phủ Việt Nam hiện đang nỗ lực xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến ODA, điều này tạo sự yên tâm cho các nhà tài trợ song phương như JICA và các tổ chức quốc tế khi triển khai các dự án tại Việt Nam.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã có những đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế là 1 trong 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu Chính phủ đề ra cho năm 2025, với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá.
Mới đây, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam ngày 18/10, Ngân hàng Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6%). Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, mặc dù, áp lực kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại, nhưng khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường. Việc Chính phủ đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế có thể giúp duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian tới và các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Standard Chartered kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản vào năm tới, thay vì vào quý IV/2024 như đã dự báo trước đây.
Đẩy mạnh giải ngân, củng cố các động lực xuất khẩu, tiêu dùng
Theo các tổ chức quốc tế, việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giúp củng cố các động lực xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư tư nhân. Cùng với đó, cần thúc đẩy các động lực mới như trí tuệ nhân tạo, số hóa, kinh tế xanh. Đây sẽ là những lĩnh vực tạo ra dư địa cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Minh Anh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-con-nhieu-du-dia-dat-muc-tieu-tang-truong-cao-162955-162955.html