Việt Nam công bố 919 loài gỗ nhập khẩu mới nhất

Việt Nam công bố 919 loài gỗ nhập khẩu mới nhất
8 giờ trướcBài gốc
Việt Nam công bố 919 loài gỗ nhập khẩu mới nhất. Ảnh minh họa/Nguồn VGP
Theo Quyết định số 2575/QĐ-BNNMT vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành công bố Danh mục các loài gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam với 919 loài gỗ được cập nhật, trong đó nhiều loài gỗ mới không có tên Việt Nam thường gọi.
Cụ thể, danh mục với 919 loài gỗ nhập khẩu mới nhất tính đến ngày 30-6-2025, thay thế danh mục 895 loài đã nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố trong năm 2024.
Danh mục mới các loài gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam dựa trên dữ liệu của Cục Hải quan, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cung cấp. Điều này phản ánh thực tiễn nhập khẩu gỗ ngày càng đa dạng và mở rộng vào Việt Nam.
Danh mục với nhiều loài gỗ mới, nổi bật như: linh sam, bạch dương, đậu con rắn, cẩm lai Nam Mỹ, hương, sao đen Nam Mỹ, đàng xanh, nghiến, dẻ gai, gõ, sếu, sa mu, sa mộc, bách, lim, lãnh sam, keo lá tràm, thích, dẻ gai, gõ, gội, me tây, trăn, điều, sao cát, chò, mít, chay, dổi, trắc, vảy ốc. Ngoài ra còn có các loài gỗ như: còng, mun, thị rừng, dầu, phong vàng, trám trắng, hồ đào, mại châu, hồ đào, muồng, cà ổi, tuyết tùng, cẩm, lát hoa, mòng bò châu Phi, gỗ thông Nhật, hoàng đàn rủ, bạch tùng, hồng tùng, chò lông, xoan đào, pơ mu, trắc xanh, xà cừ, đắng, khổ diệp, vân sam...
Đáng chú ý, trong danh sách công bố lần này có rất nhiều loài gỗ không có tên Việt Nam thường gọi. Ví như tên loài gỗ: sến Manilkara, Sycamore, Agathis, Aglala, Iatangza, Bergman, Sheoak, Kusu, Alstoni, Curupau, Cabbage, Kleinbl rode kabbe, Araliopsis, Araucaria, Kapiak, Shibadan.
Ông Trần Quang Bảo-Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm-cho biết: Việc Việt Nam đã dừng khai thác rừng tự nhiên từ năm 2014 và hiện chỉ sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ cao su, gỗ nhập khẩu có truy xuất là minh chứng cho nỗ lực phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Ông Bảo cũng nhấn mạnh, để phát triển ngành gỗ bền vững, cần tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu từ đầu vào đến đầu ra để phục vụ truy xuất nguồn gốc; tạo động lực phát triển cho ngành lâm nghiệp, thay vì chỉ chú trọng bảo vệ một chiều.
G.B
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/viet-nam-cong-bo-919-loai-go-nhap-khau-moi-nhat-post559963.html