Việt Nam đã chủ động bước lên tuyến đầu thúc đẩy phát triển bền vững

Việt Nam đã chủ động bước lên tuyến đầu thúc đẩy phát triển bền vững
2 ngày trướcBài gốc
Phiên thảo luận cấp cao: Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Giáo sư Marwah, quyết định của Việt Nam đăng cai hội nghị P4G từ ngày 14-17/4 là một bước đi mang tính chiến lược và kịp thời đối với cả Việt Nam và toàn cầu. Trong bối cảnh các cam kết khí hậu từ các cường quốc đang có dấu hiệu chững lại, Việt Nam đã chủ động bước lên tuyến đầu, thể hiện quyết tâm trở thành quốc gia tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững. Hội nghị lần này không chỉ đơn thuần là một cuộc gặp ngoại giao, mà còn là lời kêu gọi hành động nhằm huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ đối tác và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh công bằng.
Hội nghị P4G được tổ chức vào thời điểm mang tính bước ngoặt. Khi thế giới đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong việc tài trợ cho hành động khí hậu - đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển - vai trò đi đầu của Việt Nam đã trở thành một điểm sáng đầy hy vọng. P4G tập trung vào việc thúc đẩy các giải pháp dựa trên thị trường nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực như khả năng thích ứng khí hậu, hệ thống lương thực, an ninh nguồn nước, năng lượng và kinh tế tuần hoàn. Đối với Việt Nam, hội nghị không chỉ là cơ hội để thu hút các nguồn lực thiết yếu - tài chính, công nghệ và chuyên môn - mà còn làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia thành viên P4G như Đan Mạch, Hàn Quốc, Hà Lan và nhiều nước ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.
Ý nghĩa của hội nghị càng được nhấn mạnh bởi thời điểm diễn ra, khi các cam kết tài chính khí hậu từ các nước phát triển ngày càng bị trì hoãn, điều chỉnh hoặc thu hẹp, dẫn đến khoảng cách niềm tin nghiêm trọng đang hình thành trong hợp tác khí hậu toàn cầu. Các nước đang phát triển như Ấn Độ và Việt Nam đang đối mặt với thách thức kép: Phát triển kinh tế trong khi phải thích ứng và đối phó biến đổi khí hậu - thường với nguồn lực nội địa hạn chế. Trong bối cảnh này, mô hình hợp tác công - tư của P4G trở thành một hướng đi bổ sung, thậm chí là thiết yếu, để huy động đổi mới sáng tạo và nguồn vốn - điều mà các kênh tài chính truyền thống hiện chưa thể đáp ứng ở quy mô cần thiết.
Giáo sư Marwah khẳng định hội nghị lần này là cơ hội đặc biệt để kêu gọi các mối quan hệ đối tác toàn diện và công bằng hơn. Các đối tác chủ chốt như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Ấn Độ - với thế mạnh công nghệ và tiềm lực đầu tư - là những đồng minh chiến lược trong hành trình xanh của Việt Nam. Hội nghị P4G chính là diễn đàn lý tưởng để đưa ra một thông điệp rõ ràng và thuyết phục về việc mở rộng đầu tư vào nền kinh tế xanh đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam - từ hạ tầng năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, đến phương tiện giao thông điện và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Giáo sư Marwah nêu rõ Việt Nam đang khởi xướng một mô hình hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm chung và cam kết thực chất, nơi giá trị của một quốc gia không được đo bằng GDP, mà bằng hành động khí hậu cụ thể và tinh thần hợp tác. Tầm nhìn về một chủ nghĩa đa phương công bằng và bao trùm do Việt Nam thúc đẩy có thể mang lại một hướng đi mới - cần thiết và đầy hy vọng - cho trật tự khí hậu toàn cầu.
Quang Trung (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-da-chu-dong-buoc-len-tuyen-dau-thuc-day-phat-trien-ben-vung-20250417174530263.htm