Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh não mô cầu
Theo số liệu của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam đã ghi nhận 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng…, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024.
Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện cũng liên tiếp ghi nhận ca mắc não mô cầu phải điều trị tích cực, đã có ca tử vong. Mới đây nhất, người tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc người lành mang trùng đều có nguy cơ lây bệnh.
BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cho biết não mô cầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, xuất hiện rải rác quanh năm, có khả năng gia tăng cao hơn, thậm chí có thể gây dịch khi hệ miễn dịch suy giảm sức đề kháng do thời tiết giao mùa nắng nóng như hiện nay.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam. Vi khuẩn não mô cầu có trong dịch tiết mũi họng của người bệnh và người mang vi khuẩn không biểu hiện triệu chứng. Khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm sức đề kháng, mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch, bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như cúm, chúng nhân lên nhanh và xâm nhập vào máu.
Bệnh có khả năng gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Theo dữ liệu giám sát của Bộ Y tế Công cộng Anh, khoảng 9/10 trẻ em và thanh thiếu niên tử vong do bệnh viêm màng não mô cầu xâm lấn không qua khỏi trong khung 24 giờ, kể từ khi được chẩn đoán. Đáng chú ý, các triệu chứng của bệnh do não mô cầu không điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường dẫn đến dễ chẩn đoán sai, phát hiện muộn.
Theo Cục phòng bệnh (Bộ Y tế), khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như sẹo da, cắt cụt chi, điếc, mù lòa, suy thận mạn tính, chậm phát triển tâm thần và hành vi…
Để chủ động phòng bệnh do não mô cầu sớm, bác sĩ Chính cho hay, vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm A, B, C, W-135, Y phổ biến ở Việt Nam. Hiện Việt Nam có ba loại vắc xin phòng não mô cầu, gồm mũi phòng não mô cầu nhóm B (Bexsero - Ý) tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi, nhóm BC (VA-Mengoc-BC - Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi và nhóm ACYW-135 (Menactra - Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.
Do kháng thể đặc hiệu với nhóm não mô cầu này không có khả năng bảo vệ chéo với nhóm não mô cầu khác nên để phổ bảo vệ được rộng nhất trước các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu, mỗi người cần tiêm phối hợp các loại vắc xin để phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu.
Trường hợp đã tiêm vắc xin não mô cầu B, C, người dân nên tiêm thêm mũi phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới phòng ngừa đầy đủ hơn với hiệu quả bảo vệ cao hơn trước các chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm B và vắc xin não mô cầu nhóm A, C, Y, W./.
PV