Bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)
Nhân Ngày Thế giới Phòng, chống mua bán người 2025 với chủ đề: “Mua bán người là hoạt động tội phạm có tổ chức - Hãy cùng hành động để chấm dứt các hình thức bóc lột!" bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, đã chia sẻ một số vấn đề với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
- Xin bà cho biết ý nghĩa của chủ đề Ngày Thế giới Phòng, chống mua bán người năm nay?
Bà Kendra Rinas: Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người 2025 mang thông điệp “Mua bán người là hoạt động tội phạm có tổ chức - Hãy cùng hành động để chấm dứt các hình thức bóc lột!”
Chủ đề của chiến dịch năm nay nhằm làm nổi bật vai trò then chốt của các cơ quan thực thi pháp luật nhằm đẩy lùi hoạt động tội phạm có tổ chức, đồng thời đảm bảo hệ thống pháp luật đặt nạn nhân làm trung tâm trong bảo vệ, hỗ trợ và tiếp cận công lý.
Dù đã có một số tiến bộ nhưng phản ứng của hệ thống tư pháp hình sự vẫn chưa đủ mạnh để đối phó với loại tội phạm ngày càng phức tạp này.
Để chấm dứt nạn mua bán người, cơ quan thực thi pháp luật cần áp dụng các quy định nghiêm ngặt, tiến hành chủ động điều tra, tăng cường hợp tác xuyên biên giới, nhắm vào dòng tiền của tội phạm và tận dụng kỹ thuật công nghệ để nhận diện, triệt phá các đường dây mua bán người.
Để đảm bảo công lý cho nạn nhân, chúng ta cần buộc thủ phạm chịu trách nhiệm, luôn đặt nạn nhân làm trung tâm trong công tác bảo vệ, hỗ trợ và tiếp cận công lý.
Các cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm lực lượng cảnh sát, an ninh biên giới, cơ quan quốc tế và lực lượng chuyên trách đặc biệt được khuyến khích chủ động tham gia chiến dịch, thông qua việc sử dụng nền tảng trực tuyến và hoạt động trực tiếp tại các khu vực có lưu lượng người qua lại cao như bến xe, nhà ga, sân bay. Cách làm này giúp các thông điệp tiếp cận đông đảo công chúng, nâng cao nhận thức xã hội và thúc đẩy việc báo cáo các trường hợp nghi ngờ mua bán người.
- Bà nhận định thế nào về công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam thời gian qua?
Bà Kendra Rinas: Trước tiên, chúng tôi ghi nhận những kết quả vượt bậc của Việt Nam trong những năm gần đây về công tác phòng, chống mua bán người.
Dưới dự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Công an cùng sự phối hợp của các cơ quan liên quan, Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi có hiệu lực thi hành từ tháng này. Một trong những điểm nổi bật của Luật sửa đổi là nhấn mạnh vào cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong quá trình xây dựng chính sách.
Luật sửa đổi đảm bảo tạo điều kiện tốt hơn cho công tác hỗ trợ tái hòa nhập cho mọi đối tượng: công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam, người không quốc tịch và trẻ vị thành niên.
Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi là một bước tiến quan trọng, góp phần củng cố “Chương trình phòng, chống mua bán người” giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Những nỗ lực này đánh dấu 25 năm hành động phối hợp phòng, chống mua bán người, và là điều rất đáng ghi nhận.
Hơn nữa, chúng ta không thể không nhắc tới và cần biểu dương việc tăng cường điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người. Từ năm 2019 đến nay, IOM và các đối tác đã hỗ trợ hơn 840 nạn nhân mua bán người và người di cư dễ trong tình trạng dễ bị tổn thương, đồng thời cung cấp đào tạo nâng cao năng lực cho hơn 1.380 cán bộ thực thi pháp luật tại Việt Nam.
Công tác giải cứu và hỗ trợ công dân Việt Nam trở về từ các trung tâm lừa đảo trực tuyến tại khu vực hiện nay cũng đang có những bước tiến đáng ghi nhận. Tuy vậy, công tác sàng lọc và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vẫn cần sự đồng bộ, nhất quán hơn.
IOM cam kết khắc phục những khoảng trống còn tồn tại trong công tác này thông qua việc hỗ trợ Bộ Y tế và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong công tác sàng lọc nạn nhân bị mua bán trở về từ các trung tâm lừa đảo trực tuyến.
Mua bán người là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện của Chính phủ, vì vậy chúng tôi rất tự hào được đồng hành cùng Cơ quan ban ngành, từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống mua bán người.
- Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đã có sự vào cuộc, tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tuy nhiên, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Theo bà, những loại hành vi phạm tội mua bán người nào mà Việt Nam cần tập trung phòng, chống?
Bà Kendra Rinas: Hiện nay, nạn mua bán người ngày càng trở nên tinh vi, thông qua các mạng lưới kín. Chúng tôi quan sát thấy các mạng lưới được vận hành với tính tổ chức cao, tận dụng công nghệ như một công cụ đắc lực. Các đối tượng này hiện tuyển mộ nạn nhân trực tuyến, thường là những người trẻ, có học thức và có kỹ năng công nghệ.
Theo ghi nhận từ “Báo cáo thực trạng nạn mua bán người vào các tổ hợp lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á” của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), số ca bị mua bán được nhận hỗ trợ của IOM trong khu vực đã tăng hơn 3 lần từ 296 vào năm 2022 lên 1,096 vào năm 2025.
Hiện nay, chúng tôi quan sát thấy có những xu hướng gia tăng đáng báo động liên quan đến nạn nhân bị mua bán nhằm mục đích cưỡng bức phạm tội, ví dụ như nạn nhân bị ép buộc phải tham gia hoạt động tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến, mua bán nội tạng, cũng như nạn mua bán thai nhi.
Đó là lý do vì sao Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi đã bổ sung những quy định về cấm mua bán bào thai. Các cán bộ tuyến đầu cũng đối mặt với những thách thức nhất định.
Các đối tượng mua bán người thích nghi rất nhanh, chúng lợi dụng các kẽ hở pháp lý và chuyển hoạt động sang không gian trực tuyến khiến việc phát hiện và phòng chống mua bán người trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Để vượt qua những thách thức này, chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về rủi ro liên quan đến mua bán người, tăng cường năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ và truy tố, và đảm bảo rằng tất cả nạn nhân đều nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ ở mọi giai đoạn.
IOM tự hào và cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy các nỗ lực quan trọng trên nhằm đẩy lùi mua bán người.
- Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 được ban hành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới hết sức quan trọng. Là cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về di cư hợp pháp, an toàn, IOM sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống mua bán người, trong đó có việc đưa Luật triển khai hiệu quả trên thực tiễn?
Bà Kendra Rinas: Đầu tiên, việc tăng cường quản lý dự liệu và đảm bảo dữ liệu về mua bán người được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia là rất quan trọng. Đây là cơ sở then chốt nhằm xây dựng, hoạch định chính sách hiệu quả, đặc biệt là trong công tác truy tố.
Chúng tôi hướng tới việc nâng cao cơ sở dữ liệu của Việt Nam về mua bán người và di cư quốc tế, cũng như góp phần hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quản trị di cư phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, cần tăng cường các chương trình đào tạo chuyên sâu cho lực lượng thực thi pháp luật và ngành tư pháp để các cán bộ được cập nhật đầy đủ về những thay đổi trong các khung pháp lý liên quan. Mọi nạn nhân, bất kể tình trạng của họ như thế nào đều cần được tiếp cận bình đẳng với các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ, như quy định trong luật năm 2025.
Thứ ba là mở rộng quan hệ đối tác. IOM cho rằng cần tăng cường phối hợp giữa Chính phủ, tổ chức xã hội cùng các công ty công nghệ. Việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm trong toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của khối tư nhân trong phòng, chống mua bán người.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua công tác truyền thông thay đổi nhận thức cho cộng đồng, trao quyền cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Với sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, IOM đã hợp tác với cơ quan Chính phủ và các đối tác tại các địa phương để giảm thiểu nguy cơ bị mua bán thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về di cư an toàn và phòng chống mua bán người.
Ngày 15/8/2024, tại Tây Ninh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người. Tiểu phẩm sân khấu “Không lối thoát” phản ánh nạn mua bán người đang diễn biến phức tạp. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)
Việc trao quyền cho thanh niên dẫn dắt các sáng kiến nhằm thúc đẩy di cư an toàn và phòng chống mua bán người là rất quan trọng. Những nỗ lực này trang bị cho thanh niên kiến thức, nguồn lực và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy các lựa chọn di cư an toàn, giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt và xây dựng khả năng “đề kháng” trong cộng đồng của mình.
IOM tự hào với đóng góp trong nâng cao khả năng tiếp cận các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc và kỹ năng khởi nghiệp cho lao động tay nghề thấp.
Thông qua hợp tác với các Bộ ban ngành liên quan và công ty Microsoft, IOM đã phát triển nền tảng học trực tuyến congdanso.edu.vn, mang lại lợi ích cho hơn 13.000 người học Việt Nam, đặc biệt là lao động di cư trong nước.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy tuyên truyền tuyển dụng có đạo đức, cải thiện sức khỏe của người di cư và giải quyết vấn đề di cư do tác động của biến đổi khí hậu.
- Nhân Thế giới Phòng, chống mua bán người 2025, bà có thông điệp gì gửi tới Việt Nam?
Bà Kendra Rinas: Trong dịp này, một lần nữa chúng ta tiếp tục nhận ra tầm quan trọng của hợp tác, sáng tạo, đối tác và trao quyền cho thanh niên nhằm phòng, chống mua bán người. Chúng ta không thể đẩy lùi vấn nạn này nếu không có sự chung tay của tất cả các bạn.
Chúng ta hãy cùng tiếp tục hành động trong đồng hành với các nạn nhân, đảm bảo các đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chung tay vì một thế giới, nơi không ai bị mua, bán, hay bóc lột.
- Trân trọng cảm ơn bà./.
(TTXVN/Vietnam+)