Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm 21 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, hiện Việt Nam đang áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại.
Đáng chú ý, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam, bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng trong nước như: ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (4 biện pháp); vật liệu xây dựng (2 biện pháp)…
Qua đó, quy mô doanh thu của các doanh nghiệp tham gia phòng vệ thương mại trong các năm qua ước tính đạt 475.000 nghìn tỷ đồng (năm 2023) với trên 36.000 lao động. Thuế chống bán giá, chống trợ cấp thu nộp ngân sách hàng năm hơn 100o tỷ đồng.
Phòng vệ thương mại là một trong những công cụ nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước
Trong năm 2024, cùng với xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, áp dụng nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại trên toàn cầu, Việt Nam cũng đã tiến hành khởi xướng điều tra mới 3 vụ việc đối với các sản phẩm thép mạ, thép cán nguội và ván sợi gỗ dựa trên hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời, hoàn thành điều tra 2 vụ việc chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió.
Ngoài ra, cũng trong năm 2024, Cục phòng vệ thương mại đã thực hiện 11 vụ việc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm cả việc rà soát lại mức thuế chống bán phá giá theo đề nghị của các bên liên quan, rà soát nhà xuất khẩu mới và rà soát cuối kỳ để xem xét việc gia hạn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của người lao động, tác động tích cực đến đời sống của người nông dân, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích của người tiêu dùng.
Đồng thời, Cục phòng vệ thương mại cho biết đã chủ động theo dõi, phân tích đánh giá về tình hình nhập khẩu các sản phẩm đang thuộc phạm vi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời có báo cáo, kiến nghị xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng.
Phát huy những kết quả trên, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án lớn phục vụ công tác thực thi, sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước, trong đó có Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025
Hiện, Bộ Công Thương đang rà soát, nghiên cứu, giải trình, hoàn thiện Hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại để trình Chính phủ, qua đó tiếp tục triển khai công tác hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế về phòng vệ thương mại.
Vĩnh Tế