Thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng có thêm nhiều "câu chuyện" hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều biến động và mới nhất là cú sốc thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vấn đề thuế quan có ảnh hưởng ra sao tới các cơ hội đầu tư và hành động của VinaCapital?
Việt Nam đã phản ứng rất nhanh nhạy và kịp thời trước chính sách thuế quan của Mỹ. Một mặt, chúng ta tích cực đàm phán với phía Mỹ; mặt khác, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực. Các biện pháp bao gồm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến khích tiêu dùng nội địa, ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất, cắt giảm nhiều loại thuế, phí. Cùng với đó là những cải cách hành chính sâu rộng được thực hiện khẩn trương.
Bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital
Về phía VinaCapital, chúng tôi đã nhanh chóng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp theo các kịch bản thuế quan khác nhau. Đồng thời, chúng tôi cũng trao đổi trực tiếp với nhiều doanh nghiệp để hiểu rõ kế hoạch ứng phó của họ trước chính sách thuế quan này.
Mặc dù một số ngành và doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng bức tranh tổng thể không quá tiêu cực như phản ứng ban đầu của thị trường chứng khoán sau khi Mỹ công bố mức thuế 46%. Việt Nam vẫn có nhiều động lực tăng trưởng kinh tế và các doanh nghiệp vẫn còn nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng khác. Hiện tại, Việt Nam là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao phủ khoảng 2/3 GDP toàn cầu (trong đó không bao gồm Mỹ). Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác hiệu quả hơn các thị trường này, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ.
Dù kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ có ra sao, tôi tin rằng đây là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung phát triển chuỗi giá trị sản xuất nội địa, đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng, đồng thời chuyển đổi từ các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Từ đó, VinaCapital đã xây dựng các chiến lược đầu tư linh hoạt để thích nghi với bối cảnh mới, vừa đối mặt với thách thức vừa nắm bắt cơ hội. Hiện tại, chúng tôi vẫn tập trung đầu tư vào những ngành và doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng dài hạn như tài chính - ngân hàng, hàng tiêu dùng, công nghệ, cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Trên thị trường chứng khoán, có biến động là có cơ hội. Lần này, theo bà, cơ hội là gì, hay rủi ro nhiều hơn và cần phải có chiến lược ra sao?
Mỗi biến động lớn trên thị trường, dù xuất phát từ chính sách thuế quan, căng thẳng địa chính trị hay biến động lãi suất toàn cầu, đều là một bài kiểm tra về khả năng thích ứng và bản lĩnh của các nhà đầu tư. Tại VinaCapital, chúng tôi không chỉ tập trung vào việc phòng thủ, mà luôn có các chiến lược linh hoạt để biến rủi ro thành cơ hội.
Hiện tại, chúng tôi nhận thấy hai nhóm cơ hội chính. Thứ nhất, như đã đề cập, cơ hội đầu tư đến từ những định hướng và chính sách mới của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế theo chiều sâu, cũng như chiến lược đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai, phản ứng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trước chính sách thuế quan của Mỹ đã khiến nhiều cổ phiếu giảm về mức định giá rất hấp dẫn, trong khi triển vọng tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp vẫn tích cực.
Chúng tôi cũng cân nhắc tăng tỷ trọng đầu tư vào một số cổ phiếu thuộc các ngành bị đánh giá là chịu tác động trực tiếp từ thuế quan, chẳng hạn xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp hay cảng biển. Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong các ngành này đã giảm sâu, thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại, ngay cả khi đã tính đến tác động của chính sách thuế quan.
Trong một môi trường đầu tư đầy biến động, chúng tôi luôn duy trì chiến lược dài hạn, linh hoạt nhưng tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật đầu tư. Mọi quyết định đầu tư đều dựa trên giá trị cơ bản và triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Đây chính là kim chỉ nam giúp VinaCapital vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường trong hơn 20 năm qua.
Hiện cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang nghiêng hẳn về nhà đầu tư cá nhân. Theo bà, đặc tính này có tác động/ảnh hưởng ra sao tới việc huy động vốn của doanh nghiệp?
Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư cá nhân thường thiếu kiến thức chuyên sâu, dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông và có xu hướng đầu tư ngắn hạn, không dựa trên các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Đặc điểm này khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thường xuyên biến động mạnh và giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp không phản ánh đúng giá trị nội tại.
Hơn nữa, do quy mô vốn của nhà đầu tư cá nhân thường nhỏ, các đợt huy động vốn lớn của doanh nghiệp thường gặp khó khăn, nếu không có sự tham gia của các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư tổ chức - những đối tượng có khả năng cung cấp nguồn vốn lớn. Sự thiếu vắng của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp khiến cho thị trường chứng khoán kém ổn định, gia tăng rủi ro đầu tư và đẩy chi phí vốn của doanh nghiệp lên cao. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cả cơ quan quản lý nhà nước và các quỹ đầu tư trên thị trường đều đã thấy rõ hạn chế này và đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút vốn, đồng thời phát triển quy mô của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Nếu tham chiếu với các thị trường Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) thì sao, họ đạt được gì nhờ phát triển được nhà đầu tư tổ chức?
Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững và chất lượng hơn, nhà đầu tư tổ chức cần chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng giá trị giao dịch. Tại nhiều thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhà đầu tư tổ chức thường chiếm 40 - 60% giá trị giao dịch. Đặc biệt, tại một số thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia, con số này lên tới khoảng 80%. Những thị trường này có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm các quỹ đại chúng, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài.
Nhìn lại lịch sử phát triển của các thị trường này, các yếu tố quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư tổ chức bao gồm: nền kinh tế tăng trưởng ổn định với rủi ro vĩ mô thấp, khung pháp lý minh bạch và ổn định, thị trường chứng khoán đa dạng về sản phẩm và có tính thanh khoản cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức phải là các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng rõ ràng, hoạt động minh bạch, công bố thông tin và áp dụng các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhìn nhận đang tiến gần đến mục tiêu nâng hạng. Bà đánh giá thế nào về cơ hội này cũng như sức hút với dòng vốn ngoại?
Nâng hạng thị trường là chủ đề đã được thảo luận nhiều năm qua. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn ngoại một cách bền vững, không chỉ cần cải cách về mặt kỹ thuật, mà quan trọng hơn là các nhà đầu tư nước ngoài phải nhận thấy cơ hội đầu tư đủ hấp dẫn, đủ quy mô và đủ bền vững tại Việt Nam. Tôi tin rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương ổn định qua các giai đoạn biến động toàn cầu. Cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và sức tiêu dùng nội địa mạnh mẽ là những nền tảng mà không nhiều thị trường mới nổi khác có được. Đây là yếu tố tự nhiên thu hút các quỹ đầu tư trung và dài hạn.
Thứ hai, một số ngành tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, khi quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người đạt mức đủ lớn, kết hợp với những kinh nghiệm và kiến thức công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam đã tích lũy qua nhiều năm. Chúng tôi kỳ vọng một số ngành sẽ đạt tăng trưởng vượt bậc trong vài năm tới, chẳng hạn như tài chính - ngân hàng, bán lẻ, tiêu dùng, công nghệ, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo và logistics. Những doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành này, nếu cải thiện thêm về quản trị, minh bạch và thanh khoản, hoàn toàn có thể trở thành những “câu chuyện tăng trưởng” mà dòng vốn quốc tế tìm kiếm.
Cuối cùng, những thay đổi tại Việt Nam đang mở ra một giai đoạn phát triển mới, được các nhà đầu tư quốc tế nhìn nhận như là công cuộc “Đổi mới 2.0”, bao gồm việc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cùng các chiến lược và chính sách tập trung phát triển theo chiều sâu, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ, công nghiệp xanh và xây dựng các tập đoàn kinh tế có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Trong 2 - 3 năm tới, những thay đổi này sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Nhã An thực hiện.