'Việt Nam đang ở thời điểm vàng để phát triển AI và bán dẫn'

'Việt Nam đang ở thời điểm vàng để phát triển AI và bán dẫn'
4 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang hội tụ các điều kiện cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, cũng như phát triển kinh tế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ đông đúc, nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận về khoa học công nghệ, nhất là các lĩnh vực STEM.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam lựa chọn phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp từ thực tiễn khách quan. Ưu tiên lựa chọn này nhằm hiện thực hóa mục tiêu bắt kịp, tiến cùng, vượt lên so với các quốc gia khác trên thế giới.
“Với những lợi thế sẵn có và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nếu làm tốt, Việt Nam không chỉ phục vụ được nhu cầu nhân lực của thị trường công nghệ trong nước mà có thể cung cấp nguồn nhân lực cho cả thị trường nước ngoài, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Tại sự kiện, bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ của Qualcomm chia sẻ, các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào phát triển tăng cường và AI đã tận dụng được tiềm năng phát triển.
Những năm gần đây, Việt Nam đã hình thành nên một hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Nvidia, Qualcomm…
Việt Nam thời gian qua cũng xuất hiện những mô hình AI được tinh chỉnh với nhiều đặc tính phù hợp với văn hóa bản địa Việt Nam, dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở. Việc phát triển các giải pháp Generative AI (AI tạo sinh) nội địa sẽ giúp tạo ra các công cụ phù hợp với thực tế địa phương, kiểm soát tốt hơn mô hình AI, đồng thời bảo vệ được dữ liệu của người dùng trong nước.
Với những lợi thế nổi bật nêu trên, các chuyên gia tham dự sự kiện đều cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực AI và bán dẫn. Từ đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, một trong những tập đoàn đi tiên phong về công nghệ của Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để khai thác cơ hội phát triển từ lĩnh vực bán dẫn, AI.
Theo ông Hòa, người Việt Nam không chỉ giỏi về toán mà còn cả vật lý và hóa học. Trong giáo dục, thời gian qua, Việt Nam đầu tư nhiều vào khối ngành STEM. Mới đây, Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIP có đưa một số quốc gia vào danh sách hỗ trợ phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam “dấn thân” vào lĩnh vực này.
Và đặc biệt, trong hai năm qua, nhiều chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được ban hành để hỗ trợ công nghiệp bán dẫn và AI phát triển. Như vậy, Việt Nam đang hội tụ cả về yếu tố thị trường lẫn những hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng lực lượng công nghệ ham học hỏi.
Dù vậy, ông Trần Đăng Hòa cho rằng, Việt Nam cũng đang gặp những thách thức. Đó là số lượng kỹ sư liên quan đến AI và bán dẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng của thị trường.
“Với quy mô chỉ khoảng 5.000 – 10.000 kỹ sư thiết kế, kỹ sư đóng gói kiểm thử về bán dẫn, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để rút ngắn và lấp đầy khoảng cách với các đối thủ khác trong khu vực,” đại diện FPT nêu ý kiến.
Chương trình đào tạo cũng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng công nghệ. Công nghệ thay đổi liên tục và nhanh chóng, có thể theo 6 tháng, 12 tháng hay 18 tháng. Hơn nữa, số lượng giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực AI và bán dẫn tại Việt Nam là rất ít và mới chỉ tập trung ở lý thuyết. Đây là những thách thức cần lời giải.
‘Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt’
Nhấn mạnh Việt Nam có cơ hội lớn để bứt phá trong lĩnh vực AI và bán dẫn dựa vào đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 3 quan điểm từ phía Chính phủ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trước hết, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững. Quá trình này đòi hỏi lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ, Thủ tướng nói.
Đồng thời, đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
“Đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn, không có biên giới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại,” người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Quá trình này phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cũng như nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển.
Thứ hai, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Tập trung thực hiện chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.
Thứ tư, thu hút các nguồn đầu tư tài chính, đặc biệt đối với nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như AI, bán dẫn, năng lượng xanh, để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp.
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế sao cho vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ.
"Tóm lại, thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngày 1/10 hằng năm là Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam
Nhân sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố lấy ngày 1/10 hằng năm là Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam để vinh danh, khích lệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục cần thiết về việc này và tổ chức thực hiện theo quy định. Trong đó lưu ý tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, các bạn trẻ.
Ông cũng yêu cầu khẩn trương sửa đổi Nghị định 94 năm 2020 quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trình ban hành trước ngày 10/10/2024. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục mở rộng mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học về đổi mới sáng tạo, kết nối quốc tế, trên tinh thần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, góp phần vào mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
"Ngày hội đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ là ngày hội tụ của trí tuệ nhân loại và lan tỏa lợi ích mạnh mẽ. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ là trái tim của đổi mới sáng tạo quốc gia, lan tỏa tư duy sáng tạo, có khả năng làm chủ công nghệ, tham gia vào quá trình định hình tương lai nhân loại,” Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp.
Hà Anh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/viet-nam-dang-o-thoi-diem-vang-de-phat-trien-ai-va-ban-dan-33934.html