Những cải cách kinh tế mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển bài bản đã giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối diện với một số thách thức từ môi trường quốc tế, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Cải cách để duy trì tăng trưởng
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhắc lại những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong hai thập kỷ qua. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn 11 lần so với năm 2000, cho thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Các cải cách toàn diện về quy định, quản trị và giáo dục có thể giúp nền kinh tế nâng cao năng lực chống chịu trước các cú sốc trong bối cảnh bất ổn và giúp khu vực tư nhân trở thành động cơ tăng trưởng.
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
IMF dự báo rằng, nếu tiếp tục theo đuổi các gói cải cách toàn diện và đồng bộ, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể gia tăng sản lượng kinh tế dài hạn, trung bình từ 1,5% đến 3% trong vòng 2-4 năm. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cải cách đòi hỏi quốc gia phải đối mặt với những thách thức về kinh tế chính trị và sự đồng thuận của các bên liên quan.
Tương tự, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam, với dự báo tăng trưởng đạt 6,8% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026. Điều này phần nào phản ánh động lực tăng trưởng từ đầu tư công, xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, WB cho rằng nền kinh tế cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và các yếu tố bên ngoài như tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại.
Báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 3/2025 của WB khuyến nghị rằng, để ứng phó với những bất ổn gia tăng, Việt Nam cần triển khai các chiến lược duy trì tăng trưởng, bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục những điểm yếu trong lĩnh vực tài chính, nâng cao khả năng chống chịu của ngành năng lượng và thúc đẩy cải cách cơ cấu.
Một trong những chiến lược quan trọng giúp Việt Nam đối phó với các thách thức kinh tế toàn cầu là đẩy mạnh đầu tư công. WB khuyến nghị rằng Việt Nam nên tận dụng dư địa tài khóa để mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng, nhằm tạo động lực tăng trưởng dài hạn và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. WB dự báo FDI vào Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 25 tỷ USD mỗi năm, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Phương Nga/BNEWS/TTXVN (Tổng hợp)