Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu

Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu
6 giờ trướcBài gốc
Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo quốc gia 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) vừa diễn ra hôm nay, 22/4 tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ sự kiện, NIC công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 với nhiều dữ liệu lạc quan.
Lãnh đạo Chính phủ và các nhà đầu tư tham dự Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo 2025 ngày 22/4/2025 tại Hà Nội. Ảnh: NIC
Niềm tin đã trở lại
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết: “Việc định hình lại chiến lược tăng trưởng trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu thiết yếu đối với tất cả các quốc gia. Với Việt Nam, đây là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang nỗ lực để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng suất lao động và khẳng định vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, đổi mới sáng tạo và vốn tư nhân đóng vai trò then chốt”.
Theo ông Huy, năm 2024, do ảnh hưởng của các biến động vĩ mô trên toàn cầu, thị trường vốn cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thắt chặt lại, chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 35% so với năm 2023, với tổng cộng 141 thương vụ được ghi nhận. Nguồn vốn này đến từ các quỹ đầu tư của Singapore, Nhật Bản và quỹ đầu tư trong nước.
Trong đó, tổng vốn đầu tư mạo hiểm đạt 398 triệu USD, giảm 24,7% so với năm 2023. Số lượng giao dịch cũng giảm nhẹ còn 118. Điều này cho thấy có sự thận trọng của nhà đầu tư trong tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường vẫn có tín hiệu tăng trưởng bền vững khi nửa cuối năm 2024, vốn đầu tư tăng vọt lên 298 triệu USD, gấp 3 lần so với nửa đầu năm. Giá trị giao dịch nửa cuối năm tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, các hoạt động đầu tư mạo hiểm ở các vòng gọi vốn giai đoạn đầu cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi khi các giao dịch trị giá 0,5 triệu USD hoặc nhỏ hơn tăng trở lại. Giá trị đầu tư ở quy mô từ 3-50 triệu USD vẫn ổn định, chứng tỏ các công ty giai đoạn đầu tiếp tục huy động được vốn.
Báo cáo nhận định, số lượng thương vụ mảng đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân vẫn ổn định. Các nhà đầu tư vẫn tin tưởng quan tâm đối với tiềm năng dài hạn của Việt Nam. Cụ thể hơn, dòng vốn duy trì ổn định vào các công ty có quy mô và độ trưởng thành cao. Các thương vụ mua lại chiếm tỷ trọng lớn, với tổng giá trị đạt 1,7 tỷ USD.
Các thương vụ quy mô trung bình (100–300 triệu USD) phục hồi rõ nét, khi tổng vốn đầu tư tăng 2,7 lần lên 700 triệu USD. Con số này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần cải thiện đối với các giao dịch quy mô lớn.
Đáng chú ý, các ngành công nghệ cao và bền vững dẫn đầu xu hướng. Cụ thể hơn, đầu tư vào giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp chiếm ưu thế, tăng vọt 562% lên 84 triệu USD. Vốn đầu tư vào các công ty AI tại Việt Nam tăng đột biến 8 lần, từ 10 triệu USD năm 2023 lên 80 triệu USD năm 2024. Ngoài tự động hóa, AI đang nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực như tài chính, y tế, và thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình ra quyết định thông minh hơn và tăng hiệu quả vận hành. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nguồn nhân lực dồi dào, và sự gia tăng ứng dụng trong doanh nghiệp, hệ sinh thái AI Việt Nam đang sẵn sàng cho bước phát triển vượt bậc.
Điểm đến chiến lược của các đại bàng công nghệ
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói rằng “ngỡ ngàng” khi chứng kiến quy mô của diễn đàn năm nay. Nếu như năm 2020, năm đầu tiên tổ chức Diễn đàn về Đổi mới sáng tạo, chỉ có khoảng 50 quỹ đầu tư và 200 các nhà đầu tư thì đến nay, đã có tới hơn 200 quỹ đầu tư và gần 1.000 đại biểu trên khắp thế giới góp mặt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo 2025 được tổ chức ngày 22/4/2025 tại Hà Nội. Ảnh: NIC
Phó Thủ tướng chia sẻ: “Đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chìa khóa để mỗi quốc gia khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta đang chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo”.
Trong làn sóng đó, “Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Nhiều tập đoàn lớn như Nvidia, Samsung, Qualcomm, Meta, Google… đã chọn Việt Nam là trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm công nghiệp mới. Họ đã lựa chọn Việt Nam là đại bản doanh của mình”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo ông, những điểm tích cực trên chính là phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cách thể chế để giải phóng nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư.
Tại diễn đàn, NIC và VPCA đã ký biên bản ghi nhớ với 3 tổ chức gồm Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Singapore, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Hong Kong để thúc đẩy cơ hội đầu tư giữa các thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và luân chuyển nhân tài, tăng cường đào tạo và đối thoại chính sách. Ba tổ chức này hiện đang quản lý tổng tài sản lên đến 5 nghìn tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên các tổ chức vốn tư nhân lớn của châu Á chính thức liên kết tạo nên một khối đầu tư khu vực với mục tiêu chung và hành động phối hợp.
NIC và VPCA đã ký biên bản ghi nhớ với 3 tổ chức gồm Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Singapore, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Hong Kong. Ảnh: NIC
Chứng kiến lễ ký kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị: “Chúng ta cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để biến những cam kết, biên bản ghi nhớ thành quyết định đầu tư, hợp đồng hợp tác; biến những tiềm năng, lợi thế thành hiệu quả kinh tế".
“Thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, chúng ta không có nhiều thời gian để chờ đợi và do dự. Nếu quý vị đã tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng lợi thế và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, thì hãy sớm đi đến quyết định đầu tư và rót vốn đầu tư vào Việt Nam, để tận dụng càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt các cơ hội”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói.
Việt Nam đang dẫn đầu cuộc cách mạng số và trí tuệ nhân tạo (AI) tại châu Á. Nền kinh tế số của Việt Nam đang tăng tốc ấn tượng, đạt 36 tỷ USD và dự kiến duy trì mức tăng trưởng hai con số. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ (Nghị quyết 57), dòng vốn đầu tư tư nhân, cùng nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam đang trên đà trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai ở Đông Nam Á, đóng góp 30% GDP trong tương lai gần.
Phạm Huyền
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/viet-nam-dang-tro-thanh-diem-den-chien-luoc-cho-cac-tap-doan-cong-nghe-toan-cau-2393979.html