Việt Nam đang ứng phó thế nào với mức thuế 'có đi, có lại' 46% từ Mỹ?

Việt Nam đang ứng phó thế nào với mức thuế 'có đi, có lại' 46% từ Mỹ?
một ngày trướcBài gốc
Từ ngày 9/4, mức thuế đối ứng "có đi có lại" cao hơn sẽ chính thức áp lên hơn 60 quốc gia mà Mỹ gọi là "gây mất cân bằng thương mại", trong đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đánh thuế 46%.
Mức thuế mới cao bất ngờ củaTổng thống Mỹ Donald Trump đánh vào hàng hóa Việt Nam dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành có giá trị xuất khẩu lớn, như điện, điện tử, đồ nội thất, thép, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gia dụng...
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ, mức thuế 46% gần như chặn lối đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các các ngành hàng chủ lực.
Một số doanh nghiệp chia sẻ, tình hình hiện tại đang khiến họ rất lo lắng, nhưng vẫn le lói tia hy vọng có thể đàm phán, vì mức thuế 46% chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp của Việt Nam rất khó khăn.
Trụ sở Bộ Tài chính, tại Hà Nội.
Phát biểu khi công bố mức thuế đối với Việt Nam vào chiều 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, "Việt Nam - những nhà đàm phán tuyệt vời, họ thích tôi, tôi thích họ. Vấn đề là họ tính chúng tôi 90%. Chúng tôi sẽ tính họ mức thuế 46%".
Lý giải cho con số 90% mà Tổng thống Trump đưa ra, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định đây là con số cao hơn rất nhiều so với hiện hành.
Ông Tuấn chia sẻ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát các mối quan hệ thương mại với các đối tác tham mưu cho Chính phủ, trong đó, có việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Trương Bá Tuấn cho biết, khi xây dựng Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, Việt Nam đã cố gắng rà soát tổng thể, tính toán để điều chỉnh mức thuế phù hợp với từng nhóm mặt hàng của các đối tác quan trọng; nỗ lực chủ động tìm điểm cân bằng, nhằm cải thiệt cán cân thương mại với các đối tác lớn.
Cùng ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi một lần nữa khẳng định sự chủ động của Việt Nam và mong muốn tiến đến điểm cân bằng thương mại tốt hơn trong tương lai, đảm bảo sự hợp tác cùng phát triển, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai quốc gia.
Chia sẻ thêm thông tin với doanh nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân, tìm giải pháp tích cực nhất. Đồng thời kiên trì trao đổi với phía Mỹ, tìm giải pháp hợp lý vừa tăng kim ngạch song phương, vừa để doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước cùng được hưởng lợi từ sự phát triển thương mại giữa hai nước.
"Hy vọng mức thuế 46% là mức tối đa, trong thời gian tới chúng ta có thể đàm phán những mức thuế tốt hơn. Tuy nhiên, mọi mục tiêu còn đang ở phía trước, chúng ta cùng hy vọng!", Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.
Trên thực tế, đánh giá về động thái mới nhất của Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, chính sách này phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm tái định vị Mỹ trong thương mại toàn cầu, quyết giảm thâm hụt thương mại - vốn đạt 1,2 nghìn tỉ USD năm 2024.
Điểm đặc biệt, chính sách lần này của chính quyền Mỹ không chỉ là thuế quan đơn thuần mà còn kết hợp cả rào cản phi quan thuế và các chính sách thao túng tiền tệ mà Mỹ cho rằng các quốc gia đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump coi mức thuế "có đi có lại" này là "hữu nghị", mới chỉ bằng nửa mức phía Mỹ tính toán theo các công thức khá phức tạp, thể hiện ý định linh hoạt, để lại dư địa, mở đường cho đàm phán song phương với các nước.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức thuế cao nêu trên có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các nước và doanh nghiệp hướng tới nội địa hóa sản xuất, thay đổi xu thế thương mại tự do.
Minh Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/viet-nam-dang-ung-pho-the-nao-voi-muc-thue-co-di-co-lai-46-tu-my-309819.html