Việt Nam đạt 2.268 km cao tốc, hướng tới mục tiêu 3.000 km trong năm 2025

Việt Nam đạt 2.268 km cao tốc, hướng tới mục tiêu 3.000 km trong năm 2025
6 giờ trướcBài gốc
Phiên họp lần thứ 17 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành giao thông. Ảnh: VGP
Sáng 10/5, tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó trọng tâm là đạt mốc 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025.
Hiện nay, tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước đã đạt 2.268 km, tăng gần gấp đôi so với mốc 1.163 km trước năm 2021. Cột mốc này là kết quả của những nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các đơn vị thi công trong việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm.
Phiên họp diễn ra trực tuyến cùng 49 tỉnh, thành phố có dự án liên quan, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ ngành, lãnh đạo UBND các địa phương, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư và nhà thầu.
Thủ tướng yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, nhấn mạnh tinh thần hành động: “Nói thật, làm thật, hiệu quả thật, tránh bệnh hình thức”.
Trong 3 nhiệm kỳ qua và đặc biệt trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, phát triển hạ tầng – nhất là hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kết nối vùng và hội nhập quốc tế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã liên tục khởi công, khánh thành nhiều công trình lớn như tuyến đường kết nối, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, và hàng loạt tuyến cao tốc mới.
Thủ tướng cũng đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực giao thông – lĩnh vực có tỷ trọng giải ngân vốn đầu tư công cao nhất. Ông yêu cầu các địa phương chủ động giải phóng mặt bằng theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, trong khi các bộ ngành như Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp – Môi trường phải đồng hành tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo vật liệu, vốn và tiến độ thực hiện.
Một điểm nhấn quan trọng tại phiên họp lần này là việc thúc đẩy dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hướng tới mục tiêu khởi công trong năm 2025, nhằm kết nối mạng lưới đường sắt Việt Nam với Trung Quốc, Trung Á và châu Âu – bước đi mang tính chiến lược trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực.
Tính đến nay, Ban Chỉ đạo đang theo dõi 37 dự án trọng điểm với 95 dự án thành phần, trong đó có 35 dự án đường bộ và 2 dự án hàng không. Trong số đó, 19 dự án đã đưa vào khai thác, 52 dự án đang triển khai thi công đúng tiến độ. Các nhiệm vụ giao tại phiên họp trước cũng đạt tỷ lệ hoàn thành cao, với 26/33 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn, các nhiệm vụ còn lại đang được gấp rút triển khai.
Với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", Chính phủ đang tạo thế và lực mới cho hạ tầng giao thông Việt Nam, hướng tới các mục tiêu lớn vào các dịp kỷ niệm quan trọng như 80 năm Quốc khánh và Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Linh San
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/viet-nam-dat-2268-km-cao-toc-huong-toi-muc-tieu-3000-km-trong-nam-2025-418343.html