Theo đề xuất, thuế suất đối với một số dòng ô tô sẽ giảm từ mức 45-64% xuống 32%, thuế LNG giảm từ 5% xuống 2%, và thuế ethanol từ 10% xuống 5%. Ngoài ra, một số nông sản như táo, thịt gà đông lạnh, hạnh nhân và anh đào ngọt cũng nằm trong danh sách được giảm thuế.
Theo đề xuất, thuế LNG giảm từ 5% xuống 2%, và thuế ethanol từ 10% xuống 5%.
Bộ Tài chính cho biết đề xuất này nhằm ứng phó với tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu phức tạp, trong đó các chính sách thuế quan đang có tác động đáng kể đến kinh tế thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Mục tiêu giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ
Việt Nam đang nỗ lực củng cố quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Washington ngày càng quan tâm đến mức thặng dư thương mại giữa hai nước. Năm ngoái, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 123,5 tỷ USD, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có mức thặng dư lớn thứ ba với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Thương mại vào đầu tháng này, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận tạm thời trị giá 4,15 tỷ USD với doanh nghiệp Hoa Kỳ và cam kết xem xét việc gỡ bỏ các rào cản thương mại cũng như siết chặt kiểm soát gian lận xuất khẩu.
Theo Petri Deryng, Giám đốc Quỹ PYN Elite Fund, Việt Nam đặc biệt coi trọng mối đe dọa từ các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump, ngay cả khi Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á. Deryng lưu ý rằng Việt Nam vẫn áp dụng nhiều loại thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Dự kiến, nghị định sửa đổi về điều chỉnh thuế nhập khẩu theo chế độ tối huệ quốc (MFN) sẽ được ban hành trong tháng này. Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh thuế là cần thiết để đảm bảo công bằng giữa các đối tác chiến lược của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đang ngày càng phát triển sau khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.
Bật đèn xanh cho Starlink
Bên cạnh việc điều chỉnh thuế quan, Việt Nam đã cho phép SpaceX triển khai thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam. Theo quyết định được công bố trên cổng thông tin chính phủ, chương trình thí điểm kéo dài 5 năm sẽ cho phép tối đa 600.000 thuê bao sử dụng dịch vụ.
Đây được xem là một trong những động thái có thể giúp Việt Nam duy trì quan hệ thuận lợi với Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Việc mở cửa cho Starlink được thực hiện sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thúc đẩy các cuộc đàm phán với doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác công nghệ và đầu tư.
Các nhà phân tích nhận định, cho phép Starlink hoạt động tại Việt Nam có thể được coi là một "cành ô liu" nhằm xoa dịu những lo ngại từ phía Washington về chính sách thương mại của Việt Nam.
Trước đó, SpaceX từng đề xuất đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam thông qua Starlink, nhưng kế hoạch này bị trì hoãn vào cuối năm 2023 do chính phủ chưa dỡ bỏ lệnh hạn chế đối với các nhà cung cấp Internet vệ tinh nước ngoài. Tuy nhiên, vào tháng 2 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua quy định mới, cho phép các doanh nghiệp viễn thông có vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ vệ tinh quỹ đạo thấp trên cơ sở thí điểm.
Bên cạnh việc mở đường cho Starlink, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các công ty Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm nhập khẩu LNG từ Hoa Kỳ để đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai. Hai nhà máy điện LNG đầu tiên của Việt Nam dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 6 năm nay.
Những bước đi này cho thấy Việt Nam đang chủ động tìm cách duy trì quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, đồng thời tìm kiếm sự cân bằng trong chính sách kinh tế đối ngoại nhằm tránh những tác động tiêu cực từ các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ.
Thành An