Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn để cải cách hành chính một cách đột phá

Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn để cải cách hành chính một cách đột phá
5 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính tại thành phố Hải Phòng. (Nguồn: VGP)
Xa quê nhưng luôn dõi theo tình hình trong nước, ông đánh giá thế nào về chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố và tổ chức lại chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn hiện nay?
Dưới góc nhìn của một người con xa quê hương lâu năm nhưng luôn dõi theo từng bước phát triển của đất nước, tôi cho rằng đây là một quyết sách đúng đắn, cần thiết và phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay.
Thứ nhất, đây là bước đi quan trọng nhằm tinh giản bộ máy, giảm trùng lặp, chồng chéo trong quản lý, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Bộ máy gọn hơn sẽ giúp quyết sách được ban hành nhanh chóng, sát thực tiễn và dễ triển khai hơn.
Thứ hai, việc sáp nhập, tổ chức lại chính quyền địa phương còn mở ra cơ hội lớn để tái cơ cấu không gian phát triển, phân bổ lại nguồn lực, từ đó phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và hướng tới phát triển bền vững.
Thứ ba, tôi tin rằng nếu việc sắp xếp đã được thực hiện thận trọng, khoa học, có lộ trình cụ thể, đồng thời gắn liền với công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, thì đây sẽ là nền tảng để xây dựng một nền hành chính và quản trị hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Nhưng với truyền thống đoàn kết, ý chí đổi mới và tinh thần vì lợi ích chung, tôi tin Việt Nam chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương này, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Theo ông, việc sáp nhập này sẽ tác động thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa mà kiều bào luôn hướng về?
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và chuyển đổi mô hình chính quyền từ ba cấp sang hai cấp là bước cải cách lớn, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó có cả những địa phương vùng sâu, vùng xa hay các khu vực có đông kiều bào quan tâm và hướng về.
Ở góc độ cá nhân, tôi nhận thấy việc sáp nhập sẽ tạo ra những đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn, nguồn lực mạnh hơn, qua đó tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô, công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao. Những địa phương sau sát nhập sẽ có cơ hội phối hợp quy hoạch, phát triển vùng một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.
Đối với vùng sâu, vùng xa, việc sắp xếp hành chính nếu thực hiện hợp lý sẽ giúp tinh giản bộ máy, giảm bớt tầng nấc trung gian, qua đó rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Nhờ ứng dụng công nghệ số, các dịch vụ hành chính công cũng có thể được cung cấp nhanh chóng, thuận tiện hơn, ngay cả ở những khu vực khó khăn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có chính sách đặc thù để bảo đảm quyền lợi, khả năng tiếp cận dịch vụ công và phát triển hạ tầng cho các địa phương này, tránh nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Việc sáp nhập tạo ra các đơn vị hành chính lớn hơn, đồng nghĩa với việc hình thành các trung tâm phát triển mới, giúp kiều bào dễ dàng xác định địa chỉ đầu tư, hợp tác và hỗ trợ quê hương.
Nếu bộ máy chính quyền tinh gọn, minh bạch và phục vụ hiệu quả hơn, điều này sẽ củng cố thêm niềm tin, tạo điều kiện để kiều bào tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước.
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cần được thiết kế và triển khai một cách khoa học, nhân văn, phù hợp với đặc thù văn hóa – xã hội của từng vùng miền. Không thể áp dụng tiêu chí đô thị cho vùng núi, hay sử dụng một mô hình chung cho cả nước. Việc lấy ý kiến người dân, kiều bào và các bên liên quan là rất quan trọng để bảo đảm sự đồng thuận và tính bền vững của quá trình chuyển đổi.
Tôi tin rằng, nếu được thực hiện đúng hướng, đây sẽ là cuộc “tái cấu trúc” hành chính mang tính đột phá, góp phần tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội toàn diện và bao trùm hơn.
TS. Trần Hải Linh, doanh nhân kiều bào Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước sở tại?
Sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua, tôi có cơ hội quan sát và trải nghiệm mô hình tổ chức chính quyền địa phương của nước sở tại. Theo tôi, có một số kinh nghiệm và bài học từ Hàn Quốc mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình cải cách thể chế, sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương như sau:
Mô hình phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình
Chính quyền địa phương ở Hàn Quốc được phân quyền khá mạnh mẽ, đặc biệt ở cấp đô thị trung ương, các tỉnh tự trị và cấp tỉnh thành khác. Các chính quyền địa phương có quyền tự chủ trong việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, phúc lợi, quản lý ngân sách, thu thuế địa phương… Đồng thời, trách nhiệm giải trình cũng được đặt ra rất rõ ràng, thông qua hệ thống Hội đồng nhân dân và cơ chế giám sát độc lập.
Về nội dung này thì Việt Nam ta có thể tham khảo rằng: Trong quá trình tinh gọn bộ máy, Việt Nam cần song song với việc phân định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, tránh tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, hoặc “trung ương làm thay, địa phương đùn đẩy”. Cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công vụ nên gắn liền với kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ số để quản lý và phục vụ
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Người dân có thể thực hiện gần như toàn bộ thủ tục hành chính trực tuyến, từ xin giấy tờ cá nhân, đăng ký kinh doanh đến đóng thuế, nộp bảo hiểm… Hệ thống dữ liệu được liên thông giữa các bộ phận, giúp giảm thời gian, chi phí và tăng tính minh bạch.
Trong cải cách thể chế, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh chính quyền số, ứng dụng công nghệ số, nhất là ở các đơn vị hành chính mới được sáp nhập. Điều này giúp phục vụ người dân tốt hơn dù bộ máy gọn lại, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và tiết kiệm ngân sách.
Coi trọng sự tham gia của người dân và tính minh bạch
Tại Hàn Quốc, người dân được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách địa phương thông qua nhiều hình thức như hội nghị công dân, trưng cầu ý dân, đối thoại định kỳ với lãnh đạo chính quyền và hội đồng, cũng như gặp gỡ với các ủy ban chuyên trách. Những cơ chế này giúp tạo sự đồng thuận, nâng cao chất lượng chính sách và tăng cường niềm tin trong xã hội.
Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình cải cách hành chính và sáp nhập các đơn vị hành chính. Việc lắng nghe ý kiến người dân, bảo đảm quyền lợi và bản sắc vùng miền là yếu tố then chốt để tạo nên sự đồng thuận thực chất, tránh tiếp cận theo hướng hành chính thuần túy.
Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao
Hàn Quốc chú trọng đào tạo công chức theo hướng chuyên nghiệp hóa. Mỗi công chức đều phải trải qua chương trình đào tạo bài bản, được đánh giá năng lực định kỳ và có cơ chế luân chuyển minh bạch. Việc đề bạt cán bộ gắn với hiệu quả công việc, không chỉ dựa vào thâm niên.
Đối với Việt Nam khi bộ máy tinh gọn hơn, mỗi cán bộ, công chức phải được đào tạo chuyên sâu, có năng lực thực chất và tinh thần phục vụ, từ đó làm tăng hiệu quả vận hành của cả hệ thống.
Nói tóm lại, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để cải cách hành chính một cách căn cơ và đột phá. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy rằng, cải cách thể chế chỉ thành công khi đi cùng minh bạch, phân quyền hợp lý, chính quyền số và có sự tham gia thực chất của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Những giá trị này hoàn toàn có thể được Việt Nam tham khảo, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và đặc điểm văn hóa-xã hội của mình.
Trọng Vũ
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/viet-nam-dung-truoc-co-hoi-rat-lon-de-cai-cach-hanh-chinh-mot-cach-dot-pha-319546.html