Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm

Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm
3 giờ trướcBài gốc
Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Ảnh minh họa.
TS.BS Phan Thảo Nguyên - Phó Giám đốc Bệnh viện E cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ mới. Song, phần lớn người bệnh khi nhập viện đã quá muộn, bỏ lỡ “thời gian vàng” để can thiệp hiệu quả.
Theo TS.BS Phan Thảo Nguyên, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ - lực lượng nòng cốt của tương lai – về cách nhận biết sớm và xử trí đúng khi gặp người bị đột quỵ là vô cùng quan trọng.
Khi sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng đúng đắn, các bạn không chỉ là người cứu giúp trong những tình huống khẩn cấp, mà còn là những “hạt giống” lan tỏa tri thức, xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, chủ động trước nguy cơ đột quỵ.
Phát biểu này được đưa ra tại chương trình “Nhận diện và xử trí bệnh nhân đột quỵ tại cộng đồng dành cho đối tượng học sinh, sinh viên trên toàn quốc” do Bệnh viện E phối hợp Hội Đột quỵ Việt Nam, Trường ĐH Y tế công cộng, chương trình Angels – công ty TNHH Boehringer Ingelheim Việt Nam tổ chức.
Những dấu hiêu của đột quỵ được viết tắt bằng các từ tiếng Anh – BEFAST.
Trong đó: B - Balance (mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt); E - Eye (mờ mắt); F - Face (méo, xệ mặt một bên); A - Arms (tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia); S - Speech (khó nói, nói ngọng); T - Time (Cần gọi ngay cứu thương hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt).
Các chuyên gia cho biết, giai đoạn “giờ vàng” được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là từ 4 - 6 giờ.
Như vậy, đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi gặp những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trong giai đoạn giờ vàng. Cần lưu ý điều trị huyết áp cao đúng cách để hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Vân Huyền
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-ghi-nhan-hon-200000-ca-dot-quy-moi-moi-nam-post728824.html