Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam vừa có dự thảo báo cáo Công tác báo chí năm 2024 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Theo thông tin từ dự thảo báo cáo, hiện nay, cả nước có 884 cơ quan báo chí, gồm: 812 báo, tạp chí và 72 đài phát thanh truyền hình (PTTH).
Trong 812 báo, tạp chí có 137 báo (73 báo địa phương và 64 báo trung ương); 675 tạp chí (323 tạp chí khoa học, 275 tạp chí thuộc tổ chức hội, 77 tạp chí thuộc cơ quan bộ, ngành, tôn giáo).
Trong 72 cơ quan hoạt động PTTH, gồm: 2 Đài quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV và Đài Truyền hình Việt Nam - VTV); 64 Đài PTTH tỉnh, thành phố, 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trực thuộc VOV và 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Báo Nhân Dân, Quốc hội Việt Nam, Truyền hình An ninh, Truyền hình Thông tấn - Vnews, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân Đội). Có 3 Đài/Đơn vị là VTV, Vnews và Đài Truyền hình TPHCM được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài, để biên tập 49 kênh truyền hình nước ngoài.
Nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí phỏng vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: Như Ý.
Dự thảo báo cáo cũng nêu rõ về tình hình tài chính cơ quan báo chí. Theo đó, với loại hình báo in, báo điện tử, có 39% số cơ quan tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên; 36% số cơ quan tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 25% được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên.
Với loại hình PTTH, chỉ có 2,77% số cơ quan tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 27,77% số cơ quan tự bảm đảm chi thường xuyên; 58,33% tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và khoảng 9,72% được ngân sách bảo đảm chi thường xuyên.
Riêng Đài Truyền hình Việt Nam có cơ chế tài chính đặc thù như doanh nghiệp nên không phê duyệt phương án tự chủ, nhưng vẫn được ngân sách cấp chi thường xuyên một số nhiệm vụ và dự án.
Đáng chú ý, về doanh thu, theo dự thảo báo cáo, năm 2024, báo chí in, báo chí điện tử ước đạt khoảng 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. Tổng nguồn thu của các đài PTTH năm 2024 đạt khoảng 9.140 tỷ đồng (giảm gần 2.800 tỷ đồng so với năm 2023). Về hoạt động quảng cáo, trừ một số đài như VTV, Vĩnh Long, HTV... hầu hết các đài đều không khai thác hết được thời lượng quảng cáo/ngày/kênh theo quy định của Luật Quảng cáo.
Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí không có biến động nhiều, khoảng 41.000 người, trong đó khối PTTH xấp xỉ 16.500 người. Tính đến tháng 12/2024, có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo.
Dự thảo báo cáo nhận định, về cơ bản, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ cùng hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đặc biệt, báo chí dành diện tích, thời lượng để thông tin, tuyên truyền về các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
"Thông tin báo chí nêu bật chỉ đạo của Bộ Chính trị, xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị", dự thảo báo cáo nêu.
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Trong số các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025, dự thảo báo cáo lưu ý, các cơ quan chủ quản báo chí cần nỗ lực cao, quyết tâm lớn, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch báo chí, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo; xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Cùng với đó, cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ chủ quản báo chí; chú trọng công tác xây dựng Đảng của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí; quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ lãnh đạo báo chí; hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
"Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý báo chí; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí, bản quyền, tổ chức bộ máy, nhân sự...; tập huấn nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý báo chí cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí", dự thảo báo cáo viết.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu các cơ quan báo chí quán triệt, nhận thức sâu sắc, triển khai thực hiện đầy đủ, đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động về việc triển khai thực hiện triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18. Bám sát tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao vai trò trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, hướng tới các giá trị văn hóa như chân, thiện, mỹ, hòa bình, hội nhập, phát triển bền vững.
Trường Phong