Việt Nam học gì từ Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp điện ảnh?

Việt Nam học gì từ Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp điện ảnh?
9 giờ trướcBài gốc
TS Ngô Phương Lan phát biểu đề dẫn hội thảo
Nhiều bài học kinh nghiệm đã được các chuyên gia điện ảnh Việt Nam- Hàn Quốc cùng chia sẻ tại hội thảo. Đa phần là những kinh nghiệm thành công, như một mẫu hình lý tưởng về phát triển công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc- mục tiêu hướng đến của điện ảnh Việt Nam.
Các nhà làm phim Hàn – Việt phải cùng bước đi
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), Giám đốc DANAFF III nhận định, điện ảnh Hàn Quốc có sức ảnh hưởng lớn và nhận được sự quan tâm của khán giả toàn cầu.
Ở Việt Nam, số lượng phim Hàn Quốc được chiếu ngoài rạp, trên truyền hình và các nền tảng VOD luôn đứng đầu các bảng xếp hạng. Mức độ phổ biến của phim Hàn Quốc đối với khán giả đại chúng Việt Nam cũng như ảnh hưởng của phong cách làm phim Hàn Quốc đối với nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình Việt Nam là không thể phủ nhận.
Hội thảo quốc tế Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh được tổ chức với mong muốn mở ra cơ hội cho những thảo luận tập trung, cởi mở, có chất lượng về nền điện ảnh quan trọng này, với sự tham dự của các chuyên gia quốc tế, Hàn Quốc và Việt Nam.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam
TS. Ngô Phương Lan cho rằng, đây là hội thảo thiết thực ở thời điểm hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam luôn được đánh giá là mũi nhọn. “Điện ảnh Hàn Quốc có thể nói là tấm gương sáng cho điện ảnh Việt Nam và trong khu vực để nghiên cứu, học tập và phấn đấu”, bà Lan khẳng định.
Theo Chủ tịch VFDA, khi chọn chùm phim trong Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, BTC LHP có rất nhiều suy nghĩ vì khi xem lại những phim thuộc 1960 và phim kinh điển Việt Nam cùng thời thì có sự tương đồng đáng ngạc nhiên. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, với trào lưu Hallyu được mở rộng, toàn cầu hóa đã tạo nên sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc.
“Không phải nền điện ảnh nào cũng thành công cả về nghệ thuật đỉnh cao và cả thị trường, vững chắc trên trường quốc tế. Những sự phát triển đó là sự tích lũy từ chính sách, nỗ lực của người làm phim, các địa phương, tầm nhìn nhà quản lý, làm sao để đưa nền điện ảnh của họ ra nước ngoài”, TS. Ngô Phương Lan chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Han Sang Jun
Bà cũng bày tỏ, rất mừng khi DANAFF III đã vinh dự trao giải Thành tựu trọn đời cho Im Kwon Taek – nhà làm phim huyền thoại của điện ảnh Hàn. Đây cũng là minh chứng cho giá trị của thương hiệu DANAFF III đã có được.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, điện ảnh Hàn Quốc đã khẳng định vị thế tiên phong trong làn sóng văn hóa Hàn (K-culture), được công nhận không chỉ ở tính nghệ thuật mà còn ở sức hút đại chúng, trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, sự phát triển này không chỉ đơn thuần là kết quả của công nghiệp điện ảnh mà còn là thành quả của sự sáng tạo, đam mê từ các nhà làm phim, và trên hết là những nỗ lực hợp tác, giao lưu thông qua các LHP quốc tế.
“Điện ảnh Việt Nam gần đây cũng đang được ghi nhận là một nền điện ảnh đầy tiềm năng trên thế giới, và tôi tin tưởng rằng LHP châu Á Đà Nẵng sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển đó…”, ông Choi Young Sam nhìn nhận
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Han Sang Jun cũng nhấn mạnh, điện ảnh Việt Nam đang cho thấy những bước phát triển ấn tượng. Cảm xúc, phong cảnh riêng biệt của Việt Nam cùng thế hệ sáng tạo trẻ đầy tài năng sẽ làm phong phú thêm tương lai của điện ảnh châu Á.
Các chuyên gia mang đến nhiều góc nhìn có chiều sâu tại hội thảo
“Đã đến lúc chúng ta cần tiến thêm một bước, không chỉ dừng lại ở giao lưu, mà cùng nhau mở ra một sân khấu mới của đồng sáng tạo và đồng sản xuất. Hi vọng rằng hội thảo hôm nay sẽ là vạch xuất phát, Đà Nẵng sẽ là nơi khởi đầu cho hành trình mới của những nhà làm phim Hàn – Việt cùng bước đi.
Tôi cũng mong rằng một ngày nào đó, những bộ phim mà chúng ta cùng tạo ra sẽ được trình chiếu đồng thời tại Cannes, Venice, Đà Nẵng và cả Seoul…”, ông Han Sang Jun bày tỏ.
Bài học có ích cho điện ảnh Việt Nam
Những chia sẻ, kinh nghiệm về xây dựng phong cách nghệ thuật độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ những tên tuổi bậc thầy của nền điện ảnh xứ Hàn; hay nỗ lực vượt thoát ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ để hướng đến phong cách làm phim mang đặc sắc Hàn Quốc, qua các phim giải trí xuất sắc những năm 2000… được xem là bài học giá trị cho điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ về những trải nghiệm thực tế khi anh từng trực tiếp thực hiện các bộ phim remake từ Hàn Quốc, cũng như hợp tác và sản xuất phim với nước bạn
Đó còn là sự học hỏi của trong việc nâng cao nội lực của nền điện ảnh dân tộc và đưa phim Việt Nam ra thế giới.
Nhà sản xuất Park Jae Mo, Chủ tịch Hiệp hội nhân vật Hàn Quốc (KOCA) giúp chúng ta nhìn lại quá trình điện ảnh Hàn quốc phát triển và vươn ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đạo diễn, NSX, Biên kịch Phan Gia Nhật Linh chia sẻ về những trải nghiệm thực tế khi anh từng trực tiếp thực hiện các bộ phim remake từ Hàn Quốc, cũng như hợp tác và sản xuất phim với nước bạn.
DANAFF III cũng vinh sự chào đón sự trở lại của ông Kim Dong Ho, nguyên Chủ tịch LHPQT Busan, khách mời danh dự từng chia sẻ những nghiệm quý báu tại DANAFF II.
Các chuyên gia Hàn Quốc- Việt Nam tham dự phiên Tọa đàm
Ở hội thảo lần này, ông Kim Dong Ho tiếp tục đưa ra những lời khuyên về sự hợp tác, chủ động và nuôi dưỡng niềm đam mê từ các nhà sáng tạo, song hành là hệ thống chính sách thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển. Những mô hình như DANAFF là một trong những cánh cửa lý tưởng cho hành trình phát triển của nền điện ảnh Việt vốn có nhiều tiềm năng này.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cao cấp Công ty BHD, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ: "Từ những ngày BHD sản xuất những phim rất nhỏ, đã có những nhà làm phim ở LHP Busan nói về điện ảnh Việt giỏi hơn nhiều người Việt, cho thấy họ có những nghiên cứu rất kỹ các nền điện ảnh trong khu vực.
Không chỉ quảng bá phim và văn hóa Hàn, Hàn Quốc còn hỗ trợ và đi cùng các nền điện ảnh trong khu vực, giúp quảng bá điện ảnh châu Á ra bên ngoài", bà Hạnh chia sẻ.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cao cấp Công ty BHD, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm
Bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến sự thành công của điện ảnh Hàn ngày hôm nay. Trong đó có sự hỗ trợ và đồng bộ của chiến lược quốc gia, chính sách nhà nước từ trên xuống dưới một cách rất cụ thể, logic. Họ lập ra một cơ quan phát triển điện ảnh Hàn Quốc, quy tụ những người giỏi để nghiên cứu chiến lược phát triển.
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng bộc bạch, khi chọn phim cho chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc, anh đã rất ngạc nhiên. Từ thập niên 1990 đến những năm 2000 là một thời đại vàng của điện ảnh Hàn Quốc với ngôn ngữ điện ảnh dâng trào, cùng những nhãn quan rất độc đáo.
"Nghiên cứu nghiêm túc điện ảnh Hàn, ta sẽ rút ra được những bài học có ích cho điện ảnh Việt Nam", Phan Đăng Di chia sẻ.
Tài tử Hàn Quốc Park Sung Woong giao lưu tại hội thảo
Phát biểu tổng kết TS. Ngô Phương Lan bày tỏ, Hội thảo đã mang lại nhiều giá trị học thuật, mang lại những khía cạnh sâu về nghệ thuật từ những chuyên gia, đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc.
Ngoài ra việc trao đổi kinh nghiệm, hội thảo là dịp hiếm có để lắng nghe những nhân vật làm nên thành công của nền điện ảnh Hàn Quốc trong nửa thế kỷ qua, để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về điện ảnh Hàn và nhận về những bài học quý giá.
PHƯƠNG ANH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/viet-nam-hoc-gi-tu-han-quoc-trong-phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-147919.html