Việt Nam hôm nay, góc nhìn từ học giả Campuchia

Việt Nam hôm nay, góc nhìn từ học giả Campuchia
8 giờ trướcBài gốc
Với nhiều năm nghiên cứu sâu sắc về mối quan hệ truyền thống Việt Nam, Lào và Campuchia, học giả Uch Leang chia sẻ về tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc Đông Dương trong công cuộc giành độc lập, cũng như những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong công cuộc phát triển sau ngày thống nhất đất nước.
Từ đấu tranh tự phát đến sức mạnh đoàn kết liên minh
Lật lại trang sử, trên bán đảo Đông Dương, nơi ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia cùng sinh sống qua hàng thế kỷ, mối quan hệ láng giềng gần gũi, bền chặt đã tạo nên sự gắn bó sâu sắc về lịch sử, văn hóa, số phận, vận mệnh và cả sứ mệnh. Khi thực dân Pháp xâm lược từng nước rồi tiến đến áp đặt ách thống trị lên toàn cõi Đông Dương, sự gắn kết ấy trở thành động lực cho một liên minh chiến đấu đặc biệt - liên minh chiến đấu vì mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm, đánh đuổi kẻ thù chung giành lại độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ cho mỗi nước. Liên minh đoàn kết chiến đấu này không phải được hình thành bởi sự áp đặt từ bên ngoài, mà nó đến từ nhu cầu tất yếu của chính các dân tộc bị áp bức, cùng chung khát vọng độc lập và tự do.
Đồng tình với quan điểm cho rằng mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa ba nước được hình thành rất tự nhiên, như một tất yếu khách quan, một quy luật tồn tại. Học giả Uch Leang cho rằng: “Chính sự kề vai sát cánh, chung một chiến tuyến mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nếu không có sự gắn bó, tương trợ lẫn nhau, ba nước khó có thể vượt qua những thử thách to lớn của cuộc đấu tranh giành độc lập”.
Học giả Uch Leang, Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội cựu sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam.
Quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu này cũng đầy gian lao, gập ghềnh nhưng luôn vận động, luôn biến chuyển theo từng giai đoạn lịch sử. Trong những giai đoạn đầu khi Pháp tiến hành xâm lược Đông Dương, biến ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia thành thuộc địa, chúng tiến hành vơ vét, bóc lột nhân dân Đông Dương đến kiệt quệ. Với tinh thần quả cảm, anh dũng, quyết không chịu làm nô lệ, nhân dân ba nước đã vùng lên đấu tranh chống thực dân Pháp. Từ đây, những mối liên kết nhất định rất tự nhiên trong kháng chiến giữa nhân dân ba nước cũng bắt đầu nhen nhóm ví như những “đốm lửa trong màn đêm đen đặc”.
Cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước thời kỳ đầu chống thực dân Pháp phần nào cũng gây được tiếng vang, thể hiện được ý chí chống giặc ngoại xâm, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Đông Dương. Tuy nhiên, do còn mang nặng tính cục bộ, chưa liên kết thành phong trào chống Pháp rộng lớn hơn, đặc biệt là thiếu một đường lối chính trị đúng đắn, nên chưa phát động được khối đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương tiến hành cuộc đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập cho mỗi nước.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt cách mạng Đông Dương
Trong bối cảnh phong trào đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam, Lào và Campuchia còn rời rạc, thiếu định hướng, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 10-1930) do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Đông Dương. Theo học giả Uch Leang: “Đảng đã quy tụ lực lượng cách mạng ba nước, đóng vai trò nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đặt nền móng cho liên minh đoàn kết chiến đấu sau này”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng ở cả ba nước dần vượt khỏi tính chất manh mún, cục bộ, thống nhất mục tiêu “giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu”. Đây đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hoạt động chính trị và đấu tranh vũ trang. Đó không chỉ là sự phối hợp về mặt hình thức, mà là sự liên kết chiến lược, mang tính sinh tử của những dân tộc cùng chung khát vọng tự do.
Từ quan điểm của một nhà nghiên cứu lịch sử, học giả Uch Leang nhìn nhận, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Việt Nam đã lan tỏa tinh thần cách mạng khắp Đông Dương. Dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào bùng nổ và giành thắng lợi (10-1945); tại Campuchia, phong trào đấu tranh cũng phát triển mạnh mẽ, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập vào ngày 9-11-1953. Dù đến năm 1951, mỗi nước thành lập một Đảng riêng, quan hệ đoàn kết vẫn không suy giảm mà ngày càng bền chặt, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba lực lượng cách mạng đã tạo nên một mặt trận liên hoàn trên toàn Đông Dương, đập tan mọi mưu đồ chia rẽ, cô lập của kẻ thù.
Xuất phát từ tinh thần đoàn kết chống Pháp, ba dân tộc cùng giành độc lập, đặt nền móng cho mối quan hệ chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là sự sát cánh trong cùng một chiến hào, nơi mỗi thắng lợi hay hy sinh đều là kết quả chung nhất. Theo học giả Uch Leang, tinh thần đoàn kết này tiếp tục được ba Đảng, ba Nhà nước gìn giữ, trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tình hữu nghị truyền thống giữa ba nước là nhiệm vụ chiến lược hiện tại và mai sau.
Hành trình 50 năm phát triển của một dân tộc quật cường
Điểm lại những trang vàng lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, học giả Uch Leang bày tỏ sự cảm phục trước ý chí quật cường, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Theo ông, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam tiếp tục bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Học giả Campuchia khẳng định, chiến thắng 30-4-1975 không chỉ kết thúc chiến tranh, giành lại độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam, mà còn là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất thế kỷ XX của nhân loại; là biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây cũng là cú đánh mạnh vào chủ nghĩa đế quốc, góp phần cổ vũ các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn cầu.
“Chiến thắng của Việt Nam là minh chứng thuyết phục cho sức mạnh của ý chí độc lập, tự do và khát vọng công bằng xã hội của các dân tộc bị áp bức. Việc đánh bại đế quốc Mỹ ngay tại Đông Nam Á đã làm thay đổi sâu sắc cục diện địa chính trị thế giới, làm chấn động toàn cầu khiến hệ thống đế quốc hùng mạnh suy yếu…”, học giả Uch Leang đặc biệt nhấn mạnh.
Nhân dịp nhân dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày “non sông thu về một mối”, học giả Uch Leang cũng nhìn nhận lại chặng đường gần một thế kỷ kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và gần 40 năm đổi mới. Ông bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu vượt bậc mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại… Đó là minh chứng cho tính đúng đắn và linh hoạt trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, việc lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân đã đưa Việt Nam từ một quốc gia còn nghèo, lạc hậu trở thành nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, sự ổn định chính trị, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế đã tạo dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Việt Nam đang vững bước trên hành trình phát triển nhanh và bền vững, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực then chốt.
Học giả Uch Leang cũng đề cập tới mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao - là khát vọng mang tầm chiến lược của toàn dân tộc. Ông khẳng định, đây cũng là minh chứng cho tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của một dân tộc từng trải qua chiến tranh, nhưng chưa bao giờ khuất phục.
Qua chia sẻ của học giả Campuchia, chúng ta càng thêm tự hào dân tộc. Trải qua 50 năm sau ngày non sông liền một dải, Việt Nam đang vững vàng tiến bước trên con đường xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc, quyết tâm thực hiện thắng lợi mong ước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bao thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
ĐOÀN TRUNG - DUY HOÀN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/viet-nam-hom-nay-goc-nhin-tu-hoc-gia-campuchia-825438