Khi cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ lần thứ 47 ngã ngũ, thế giới dồn sự chú ý vào những động thái của chính quyền ông Donald Trump kể từ tháng 1/2025. Với chiến lược 'Trung Quốc +1' đang ngày càng rõ nét, liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đón làn sóng đầu tư, vươn lên thành điểm đến thay thế cho các nhà đầu tư quốc tế? Vnbusiness đã có cuộc trò chuyện với bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện quốc gia Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) để tìm câu trả lời.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhiều ý kiến lo ngại về những tác động kinh tế trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, trong đó có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Chắc chắn sẽ có tác động và rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra các dự báo khác nhau. Qua những gì chúng tôi quan sát từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, có thể nói rằng sẽ còn rất nhiều điều thế giới chưa biết. Chúng ta chưa biết 4 năm tới sẽ như thế nào, chỉ biết rằng thế giới sẽ có những thay đổi rất căn bản.
Bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện quốc gia Việt Nam tại Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC)
Nếu nhìn vào những đường nét chính sách của Tổng thống Trump 1.0 và những cam kết của ông với cử tri trong quá trình tranh cử thì chúng ta có thể nhận thấy một số xu hướng lớn.
Tôi cho rằng, về mặt chính sách là xu hướng thắng thế của chủ nghĩa biệt lập Mỹ, thông qua khẩu hiệu tranh cử “Make America Great Again”. Như cam kết của ông Trump với cử tri, ông và chính quyền Mỹ sẽ phải có rất nhiều chiến lược và chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ quay trở về quê nhà mở các cơ sở sản xuất, đem việc làm quay trở về cho người Mỹ.
Hệ quả của chính sách này đã được chứng kiến trong thời gian vừa rồi, đó là xu hướng offshore. Khá nhiều tập đoàn Mỹ đã quay trở về mở các nhà máy sản xuất lớn, đơn cử như Intel mở nhà máy ở Arizona. Như vậy kết quả bầu cử tác động đến những tính toán đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Dòng vốn sẽ phải quay trở về Mỹ đầu tiên.
Nhưng đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tính đến bài toán lợi nhuận. Họ sẽ cân nhắc các địa điểm đầu tư phù hợp ở bên ngoài nước Mỹ, mang lại những lợi ích về nguồn lao động, chính sách ưu đãi. Cho nên, như chúng ta vẫn nhìn thấy trong giai đoạn vừa rồi, dòng vốn đầu tư toàn cầu và đặc biệt là dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ dịch chuyển đến các quốc gia có khung chính sách ưu đãi, có đột phá về công nghệ, có nguồn nhân lực chất lượng cao và có quan hệ thân thiện, hữu hảo với Hoa Kỳ. Đó là chính sách “The friend-shoring of supply chains” - chuỗi cung ứng với các nước đồng minh, các nước có quan hệ tốt với Hoa Kỳ mà chính quyền ông Biden đã đưa ra.
Tôi nghĩ chính quyền mới cũng sẽ tiếp nối chính sách này thôi. Bởi vì cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là xu hướng không thể tránh khỏi và nó là sự kiềm chế để duy trì vị thế số một của nước Mỹ. Chính sách này có sự đồng thuận mang tính lưỡng đảng. Dù bất kỳ ai lên làm Tổng thống thì xu hướng đó sẽ không thay đổi.
Vậy liệu dòng vốn đầu tư vào Việt Nam có biến động trong vòng 4 năm tới, thưa bà?
Với mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam thì chính quyền Dân chủ hay Cộng hòa đều có chung cái nhìn đồng thuận về vị trí mang tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam, cũng như sự hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò là một thị trường, một nền kinh tế mới nổi, đang lên. Do đó, sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư vẫn sẽ có.
Bên trong nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam.
Bên cạnh đó, tổng thống nào lên cầm quyền thì xu hướng Trung Quốc + 1 (xu hướng mở rộng cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc) vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa dưới thời Trump. Câu hỏi đặt ra là những quốc gia nào sẽ được hưởng lợi? Điều này phụ thuộc vào những nỗ lực đột phá về mặt chính sách. Tôi tin là Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ, câu chuyện ở đây là chúng ta sẽ tận dụng các cơ hội như thế nào.
Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội trong thời gian tới, thưa bà?
Không riêng Việt Nam muốn thành điểm đến của các nhà đầu tư. Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng muốn như vậy và họ đã có rất nhiều đột phá về chiến lược ưu đãi cho nhà đầu tư để thu hút được các dự án lớn của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trung tâm dữ liệu. Malaysia, Thái Lan, Indonesia đều có những cuộc chạy đua rất tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực then chốt như vậy. Việt Nam sẽ phải giải bài toán ấy trong cuộc đua ở khu vực như thế nào?
Chắc chắn, dưới thời Tổng thống Trump, chính quyền Mỹ sẽ gây sức ép nhiều hơn về vấn đề mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Như vậy Việt Nam phải cân nhắc rất nhiều yếu tố về mặt chính sách, vừa phục vụ cho các mục tiêu trong nước nhưng cũng đồng thời đảm bảo mục tiêu thu hút FDI. Vì không thể phủ nhận FDI vẫn là một động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Có những nút thắt về mặt thể chế, những điểm nghẽn mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhìn ra và đã khẳng định là sẽ quyết tâm tháo gỡ. Ví dụ như xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hay cải thiện cơ sở hạ tầng. Đấy đều là những hướng đi về chính sách đúng đắn tuy nhiên sắp tới cần những bước đi nhanh hơn nữa.
Ngoài ra, câu chuyện về đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn năng lượng cũng được các nhà đầu tư quan tâm nhiều. Việt Nam cần đảm bảo cung ứng năng lượng, trước mắt là đáp ứng đủ và tiến tới là đáp ứng “sạch” - năng lượng sạch cho các nhà sản xuất lớn.
Cuối cùng là cải thiện môi trường chính sách cho phát triển công nghệ, phát triển nền kinh tế số. Việt Nam đã có chiến lược phát triển kinh tế số rất tốt rồi nhưng chiến lược đó cần phải được cụ thể hóa hơn nữa thành các các chính sách cụ thể, thể hiện ở ngay trong các luật mới Việt Nam đang xây dựng, liên quan đến nền kinh tế số.
Trân trọng cảm ơn bà!
Đỗ Kiều (thực hiện)