Bốn nước Đông Nam Á được chọn nhưng không có Việt Nam
Truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc mới đây cùng đăng tải thông tin về việc Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, Liên đoàn bóng đá Đông Á và Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á muốn thành lập liên minh đăng cai vòng chung kết World Cup 2046.
Việt Nam hiện chưa có sân vận động nào đạt chuẩn quốc tế.
Những ứng viên cho kế hoạch đăng cai World Cup vẫn đang được bổ sung thêm. Một số liên đoàn được cho là có nhiều khả năng góp mặt là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Australia…
Tuy chưa có văn bản chính thức nhưng Việt Nam không có tên trong danh sách này khiến nhiều nhà quản lý cũng như người hâm mộ Việt Nam phải suy ngẫm. Điều này không quá khó hiểu bởi với tình trạng sân bãi ở Việt Nam hiện nay, tổ chức các trận đấu theo tiêu chuẩn World Cup là hoàn toàn không khả thi.
Để tổ chức một kỳ World Cup, dù chỉ với tư cách đồng chủ nhà, các quốc gia cần đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe của FIFA. Trong đó, yếu tố hạ tầng sân vận động, hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, công nghệ số, an ninh và kinh nghiệm tổ chức sự kiện quốc tế là những điểm then chốt.
Để tổ chức các giải đấu tầm cỡ thế giới như World Cup, Olympic hay Asian Games, công trình thể thao Việt Nam hiện tại có rất ít công trình đạt chuẩn quốc tế. Theo quy định của FIFA, để đăng cai World Cup, một quốc gia cần có ít nhất 8 đến 12 sân vận động đạt chuẩn, mỗi sân phải có sức chứa tối thiểu 40.000 chỗ ngồi, kèm theo hệ thống hạ tầng phụ trợ gồm khách sạn, giao thông, an ninh, truyền thông, dịch vụ hậu cần…
Nếu nhìn vào bản đồ hạ tầng hiện tại, Việt Nam gần như chưa có sân vận động nào đạt chuẩn FIFA để tổ chức một trận đấu World Cup chính thức. Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, chuyên gia tư vấn chính sách thể thao khẳng định nếu Việt Nam muốn hướng đến các sự kiện thể thao tầm cỡ như World Cup với hạ tầng hiện tại chưa đủ khả năng.
"Sân Mỹ Đình hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và không đạt tiêu chuẩn tổ chức những trận đấu lớn. Việc cải tạo cũng gặp nhiều vướng mắc về ngân sách, quản lý và thủ tục đầu tư công. Trong khi đó, các quốc gia như Indonesia có sân Gelora Bung Karno 80.000 chỗ, Malaysia có Bukit Jalil gần 90.000 chỗ, Thái Lan có Rajamangala và nhiều sân phụ đạt chuẩn AFC. Những nước này đã đầu tư từ rất sớm vào chiến lược tổ chức sự kiện thể thao, tận dụng sức bật từ các giải đấu khu vực để nâng cấp toàn diện.
Về giao thông và lưu trú, Việt Nam chưa có hệ thống tàu điện ngầm hoàn chỉnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, điều mà FIFA đánh giá là quan trọng trong việc đảm bảo luồng di chuyển cho hàng triệu khán giả toàn cầu. Trong khi đó, Bangkok, Jakarta hay Kuala Lumpur đều đã có hệ thống metro vận hành ổn định từ nhiều năm", ông Minh chia sẻ.
Sân vận động Thái Nguyên là công trình thể thao có quy mô lớn, hiện đại bậc nhất vùng trung du miền núi phía Bắc.
Làm gì để không đứng ngoài cuộc chơi lớn?
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đầu tư cho lĩnh vực thể dục thể thao đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt từ sau SEA Games 22 (2003), Đại hội Thể thao trong nhà châu Á (AI Games III, 2009) và các đại hội thể thao quốc gia. Hệ thống cơ sở vật chất từng bước được hoàn thiện, nhiều nhà tập, bể bơi, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân tennis, sân pickleball… đã được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa.
"Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có đủ số lượng sân vận động đạt tiêu chuẩn tổ chức World Cup. Nếu muốn làm, chắc chắn cần có sự liên kết với các quốc gia trong khu vực", ông Cương thừa nhận.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thể thao thế giới, Việt Nam đã nhận thức rõ muốn vươn lên trở thành quốc gia có nền thể thao hiện đại, chuyên nghiệp, điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống cơ sở hạ tầng đạt chuẩn. Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cụ thể hóa tham vọng ấy, đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện để hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm quốc tế.
Ông Hoàng Đạo Cương chia sẻ, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phần lớn hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao cấp quốc gia được nâng cấp, từng bước hiện đại hóa. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam xây dựng được mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai các đại hội thể thao tầm cỡ châu Á (ASIAD).
Trong đó, ít nhất 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế; 100% huyện có 3 công trình thể thao đạt tiêu chuẩn; và 100% xã, 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông đều có công trình thể thao phục vụ người dân, học sinh rèn luyện, tập luyện.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hàng loạt kế hoạch trọng điểm, bám sát Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị (ngày 31/1/2024) và Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo đó, sẽ ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở trọng điểm do Trung ương quản lý, các trung tâm đào tạo vận động viên của địa phương, quân đội, công an, giáo dục và đào tạo. Song song, Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, phát triển mạnh mẽ mạng lưới Khu Liên hợp thể thao quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đủ điều kiện tổ chức các đại hội thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới.
Ngoài ra, hệ thống các khu liên hợp, trung tâm huấn luyện, thi đấu thể thao của các tỉnh/thành cũng sẽ được nâng cấp để trở thành các cơ sở vệ tinh, liên kết tổ chức các đại hội thể thao lớn, thúc đẩy phát triển thể thao vùng, liên vùng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế và nguồn lực xã hội.
Huy Trung