Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, ngày 19/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024. Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, sau hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2009, nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014, nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới năm 2023.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 ước đạt hơn 46 tỷ USD, chiếm 6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Đồng thời, đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam rất vui mừng được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, chúc mừng Nhật Bản đã và đang khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu khi được đánh giá là một trong những nền kinh tế ổn định và phát triển bậc nhất thế giới; là trung tâm sáng tạo công nghệ với trình độ khoa học kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển năng lượng tái tạo với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới với quy mô GDP khoảng 500 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới.
Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD và đang là thành viên của 18 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.
Về thu hút đầu tư, Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một trong những điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn với sự hiện diện của gần 42.000 dự án, tổng vốn đăng ký trên 500 tỷ USD đến từ gần 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với kết quả đó, Việt Nam được Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển đưa vào danh sách 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Bộ Công Thương
Bộ trưởng nhấn mạnh, những thành tựu đã đạt được của hai nền kinh tế là đáng ghi nhận và tự hào. Tuy nhiên, thời gian tới, hai nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, phức tạp và khó dự báo. Điều này đòi hỏi những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và Nhật Bản hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng để cùng ứng phó, nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam không chỉ hướng tới mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn chú trọng đến việc xây dựng một nền công nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tại COP28 diễn ra vào tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG), trong đó Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng.
Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp và năng lượng. Việt Nam cũng triển khai nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và hướng tới mục tiêu Net Zero.
Với thế mạnh về nguồn vốn, công nghệ cao và trình độ quản trị hiện đại, Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như công nghiệp bán dẫn, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Việt Nam cũng cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật và tương xứng với mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan chức năng của Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh tại đây.
Lê Hồng Nhung