Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 3/147 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ảnh:TTXVN.
Theo khảo sát, có khoảng 4.000 doanh nghiệp của tỉnh MIE nhận định, Việt Nam là điểm đến đầu tư được yêu thích nhất trong thời gian tới; các doanh nghiệp mong muốn thông qua việc ký kết hợp tác ghi nhớ lần này sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung và tỉnh MIE với Việt Nam nói riêng trong những năm tới.
Đó chính là lý do để hai bên có “Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh MIE, Nhật Bản” vừa diễn ra tại Hà Nội, theo TTXVN.
TTXVN dẫn lời từ Thống đốc ICHIMI Katsuyuki cho biết, tỉnh MIE có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là ngành thiết bị điện tử với 19 năm liên tiếp được đứng đầu Nhật Bản; là 1 trong 5 tỉnh của Nhật Bản được chỉ định là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ngoài ra, tỉnh MIE còn có lợi thế về phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay bộ đã ký Biên bản ghi nhớ với 13 địa phương của Nhật Bản. Đối với tỉnh MIE, tỉnh đứng thứ nhất Nhật Bản trong ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, điện tử, mạch điện tử; có các công ty lớn trong ngành bán dẫn. Đây cũng là những ngành chiến lược được Việt Nam tập trung đầu tư trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2024, các doanh nghiệp tỉnh Mie đã thực hiện 41 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 580 triệu đô la; trong đó, các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 21 dự án và tập trung chủ yếu ở TPHCM là 13 dự án và Hà Nội với 9 dự án.
Hiện Việt Nam và Nhật Bản là Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Thành Tín