Việt Nam là nước đầu tiên Tổng Bí thư Tập Cận Bình chọn đi thăm trong năm 2025

Việt Nam là nước đầu tiên Tổng Bí thư Tập Cận Bình chọn đi thăm trong năm 2025
một ngày trướcBài gốc
Giáo sư Phan Kim Nga trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. Ảnh: Trung Kiên
Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giáo sư Phan Kim Nga, học giả nghiên cứu về Việt Nam, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Bắc Kinh.
Sự khởi đầu cho hoạt động ngoại giao nguyên thủ của Trung Quốc
PV: Xin bà cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa như thế nào đối với việc tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc?
Giáo sư Phan Kim Nga: Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có 4 chuyến thăm chính thức Việt Nam trong chưa đầy 10 năm kể từ năm 2015, điều đó cho thấy ông hay Trung Quốc rất coi trọng Việt Nam và quan hệ Trung-Việt.
Có thể nói, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đánh dấu sự khởi đầu cho hoạt động ngoại giao nguyên thủ của Trung Quốc. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm nay và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ông đến. Điều này đủ để phản ánh chính sách ngoại giao của Trung Quốc, tức ngoại giao láng giềng là ưu tiên, trong đó Việt Nam là ưu tiên của ngoại giao láng giềng. Điều đó cũng đủ để cho thấy sự coi trọng của Trung Quốc dành cho Việt Nam và quan hệ Trung - Việt.
Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tổ chức Hội nghị công tác láng giềng Trung ương. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã yêu cầu phải coi ngoại giao láng giềng là công tác trọng điểm, đặc biệt phải coi đây là mục tiêu chính và hướng ưu tiên quan trọng để cùng các nước láng giềng đạt được thịnh vượng chung. Do vậy, tôi cho rằng, Việt Nam là nước láng giềng rất quan trọng và mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc rất đặc biệt.
Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ có những bước phát triển trên cơ sở 3 chuyến thăm trước.
Vào tháng 12/2023, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Có thể thấy, từ năm 2023 đến nay chỉ trong hơn một năm, lãnh đạo cao nhất hai Đảng đã thăm lẫn nhau tới 3 lần.
Năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Trung Quốc, tiếp tục nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đi vào chiều sâu, thực chất. Hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác.
Năm nay, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, hai bên sẽ có những bước phát triển mới trên cơ sở hợp tác của năm ngoái và ký thêm nhiều thỏa thuận trên các lĩnh vực. Tôi cho rằng hai bên sẽ có những đột phá trong hợp tác thực chất.
Giao lưu nhân văn giữa hai nước rất quan trọng
PV: Bà đánh giá ra sao về giao lưu nhân văn giữa hai nước khi năm nay tròn 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và được chọn là năm giao lưu nhân văn giữa hai nước?
Giáo sư Phan Kim Nga: Tôi cho rằng, giao lưu nhân văn giữa hai nước rất quan trọng. Trước khi thăm Việt Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhiều lần nói: “Quan hệ giữa các nước quyết định bởi sự thân thiết giữa người dân, sự thân thiết giữa người dân quyết định bởi sự hiểu biết lẫn nhau". Làm thế nào để người dân hai nước hiểu nhau là mục tiêu rất quan trọng và cao nhất của ngoại giao Trung Quốc. Chỉ khi người dân hiểu nhau mới có thể đạt được sự kết nối về mọi mặt, dù là cơ sở hạ tầng hay quan hệ kinh tế, thương mại. Đây là nền tảng và mục tiêu cao nhất để thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị.
Trong vấn đề này có thể nói, Trung Quốc và Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong những năm qua và chúng ta đã thấy được những kết quả rõ rệt. Tôi là thành viên của Diễn đàn nhân dân Trung - Việt, chỉ trừ thời kỳ dịch bệnh, trong suốt 12, 13 năm qua, chúng tôi đã tổ chức diễn đàn này hằng năm. Đây là một kênh rất quan trọng của ngoại giao nhân dân. Thông qua diễn đàn, chúng ta có thể trao đổi về một số vấn đề còn tồn tại và một số hướng đi cần phát triển.
Ngoài ra, Liên hoan thanh niên Trung - Việt về cơ bản cũng được tổ chức hằng năm. Thanh niên là tương lai của đất nước. Nếu thanh niên hai nước có được sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị, điều này không chỉ cần thiết cho hiện tại, mà còn là cách thức rất tốt và cụ thể để kế thừa tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Chúng ta đều biết, từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Trung Quốc để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dấu chân Người đã hiện diện ở khắp các tỉnh biên giới của Trung Quốc, như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Tôi tin rằng, các di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc cũng sẽ trở thành không gian mà hai nước có thể khai thác trong tương lai.
Chúng tôi đã thực hiện một số công việc liên quan đến vấn đề này. Năm ngoái, tôi đã hợp tác với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), giúp họ xây dựng kịch bản và mời các chuyên gia quay một bộ phim tài liệu dài 3 tập mang tên “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”. Bộ phim sẽ phát trong vài ngày tới. Tôi cho rằng, đây là biểu hiện cụ thể rất quan trọng của việc thúc đẩy giao lưu nhân văn và hiểu biết giữa hai nước.
Vài ngày trước, một cuộc đối thoại giữa giới truyền thông, những người trẻ và doanh nhân Trung Quốc-Việt Nam đã được tổ chức. Điều này rất tốt, vì truyền thông rất quan trọng. Ở Trung Quốc, truyền thông được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng, cũng là tiếng nói của người dân. Thông qua giao lưu truyền thông, chúng ta có thể hiểu được nhu cầu của nhau hoặc một số suy nghĩ của giới trẻ. Khi có một số ý kiến khác hoặc một số vấn đề, thông qua hình thức này, chúng ta có thể tăng cường sự hiểu biết và hóa giải các hiểu lầm có thể xảy ra.
Tôi cũng mong muốn Trung Quốc sẽ phát sóng nhiều hơn các chương trình về Việt Nam. Có rất nhiều điều tuyệt vời trong nền văn hóa, ngôn ngữ và văn học của các bạn. Chẳng hạn, Truyện Kiều là một đại diện xuất sắc của văn học Việt Nam. Bản dịch của tác phẩm này đã được lưu hành ở nhiều nước trên thế giới. Ở Trung Quốc, cô giáo Triệu Ngọc Lan của tôi cũng đã dịch sang tiếng Trung. Tôi còn nhớ khi Chủ tịch Trương Tấn Sang đến thăm Trung Quốc vào năm 2013, cô giáo tôi đã đích thân tặng bản tiếng Trung này cho ông. Khi đó tôi cũng có mặt và rất vinh dự được nhận món quà là chiếc đĩa sứ trắng lớn của Việt Nam.
Còn một lĩnh vực hợp tác khác cần được khai thác là văn hóa. Một người bạn Việt Nam có nói với tôi rằng, họ rất muốn sang Trung Quốc để tìm hiểu về cách phục dựng các di tích văn hóa cổ. Từ đó, giúp trùng tu và giới thiệu các hiện vật và văn hóa cổ của Việt Nam. Tôi nghĩ đây cũng là một không gian hợp tác.
Giáo sư Phan Kim Nga, học giả nhiên cứu về Việt Nam, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Phóng viên: Hợp tác kênh Đảng đóng vai trò đặc biệt trong quan hệ hai nước. Vậy theo bà làm thế nào để phát huy hiệu quả của kênh hợp tác này trong thời gian tới?
Giáo sư Phan Kim Nga: Chúng ta đều biết, tính độc đáo giữa Trung Quốc và Việt Nam thể hiện ở một đặc điểm quan trọng, đó là cả hai đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nói cách khác, Đảng đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển của hai đất nước. Đây là một điểm chung rất quan trọng giữa chúng ta, nó quyết định mọi khía cạnh hợp tác, tạo nên sự nhất quán về mặt chiến lược, vì vậy tôi cho rằng hợp tác kênh Đảng rất quan trọng.
Thực tiễn cũng chứng minh rằng, trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ giữa hai Đảng đã và đang dẫn dắt hướng phát triển của quan hệ hai nước. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng là Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc-Việt Nam. Lịch sử 75 năm quan hệ ngoại giao đã cho thấy, trong những giai đoạn lịch sử quan trọng, các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Đảng sẽ định hình và quyết định phương hướng phát triển của quan hệ song phương trong giai đoạn tiếp theo.
Trong tương lai, tôi nghĩ vẫn còn không gian cho sự phát triển của mối hợp tác này. Lần này, Tổng Bí thư Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam và gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Họ sẽ đóng vai trò lãnh đạo rất quan trọng trong sự phát triển tương lai của hai đất nước. Vì vậy, chúng ta phải thúc đẩy sự phát triển quan hệ hai nước trên cơ sở những đồng thuận chiến lược mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đạt được sau các trao đổi về tình hình trong nước và quốc tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV vào năm tới. Sau Đại hội XIV, Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng tôi rất quan tâm việc Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong tương lai, do vậy hy vọng chúng ta có thể học hỏi và giao lưu với nhau.
Một điều nữa là việc biên dịch và học hỏi lẫn nhau qua các tác phẩm của lãnh đạo hai nước. Điều này cũng rất quan trọng. Tư tưởng Tập Cận Bình về quản trị đất nước đã hình thành ở Trung Quốc, các tác phẩm này hiện đã được dịch sang tiếng Việt. Đồng thời, tôi cũng giúp các học giả hiệu đính cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm này hiện đã được dịch sang tiếng Trung. Nhiều người Trung Quốc đánh giá rất cao cuốn sách, vì nó giúp Trung Quốc hiểu toàn diện về tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong tương lai, tôi hy vọng các tác phẩm của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng được dịch để các học giả Trung Quốc như chúng tôi có thể hiểu được tư tưởng mới của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một phương diện khác là trao đổi học thuật. Chúng tôi nghiên cứu nhiều về tư tưởng Tập Cận Bình, do vậy chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình với các học giả Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng các học giả Việt Nam sẽ trao đổi với chúng tôi và tổ chức những hội thảo lý luận như vậy. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng hiện đã có hội thảo lý luận, tổ chức luân phiên hàng năm. Năm nay sự kiện này sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, năm nay, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn quốc tế về chủ nghĩa xã hội lần thứ 12. Đây cũng là một kênh rất hay.
Ngoài ra, tôi cũng mong muốn thúc đẩy trao đổi giữa các học giả trong cộng đồng học thuật và các chuyến thăm ngắn hạn ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều du học sinh Việt Nam đến Trung Quốc học tập và tìm hiểu về tư tưởng của Đảng, cũng như trao đổi học thuật. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
PV: Xin cảm ơn bà!
Bích Thuận - Trung Kiên/VOV-Bắc Kinh
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-la-nuoc-dau-tien-tong-bi-thu-tap-can-binh-chon-di-tham-trong-nam-2025-post1191784.vov