Việt Nam là thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất Đông Nam Á

Việt Nam là thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất Đông Nam Á
8 giờ trướcBài gốc
Báo cáo tổng quan câu chuyện về vốn của thị trường Việt Nam, do HSBC vừa phát hành, khẳng định mọi sự chú ý đang hướng về tiềm năng Việt Nam, khi thị trường này sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay. Đồng nghĩa với việc các kênh huy động vốn được mở rộng.
Theo HSBC, khi nói đến đầu tư ở Việt Nam, không thể bỏ qua thị trường vốn đang chớm nở. Việt Nam là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất nhất Đông Nam Á năm 2024. Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam chưa được coi là phát triển toàn diện.
Theo HSBC, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. (Ảnh: N. Ý)
Trong nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Tín dụng ngân hàng đã tăng đáng kể so với quy mô nền kinh tế, cho thấy đây vẫn là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng tăng trưởng cao của Việt Nam trong những năm qua.
“Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc nhiều vào tín dụng có thể dẫn đến việc những điều chỉnh về mặt kinh tế gia tăng tác động theo hướng bất lợi. Điển hình như khi chi phí vay tăng, điều này điễn ra vào cuối năm 2022. Khi đó chính sách tiền tệ được thắt chặt và tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh, nhiều nhóm dịch vụ, trong đó có bất động sản ảnh hưởng”, báo cáo cho biết.
Bên cạnh đó, dù thị trường cổ phiếu có quy mô lớn hơn so với thị trường trái phiếu, lượng vốn thực tế huy động qua thị trường cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng vốn huy động qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2019-2023.
Một điều đáng chú ý là các quý gần đây, thị trường Việt Nam lại ghi nhận sự suy giảm trong dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tượng này làm dấy lên câu hỏi: liệu có rào cản nào đang cản trở sự quan tâm và tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
HSBC cho rằng có những thách thức lớn vẫn hiện hữu. Điển hình như những rào cản trong giao dịch và liên quan đến hạ tầng, mức độ minh bạch, công bố thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế.
Việc việc nâng hạn thị trường đặc biệt có ý nghĩa, giúp mở rộng các kênh huy động vốn để tạo sức bền tài chính cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa: H. Linh)
Tuy nhiên, những thay đổi đang diễn ra, đặc biệt là trong năm 2025 này, khi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạn.
Để chuẩn bị cho việc nâng hạn thị trường, tháng 11/2024, Việt Nam đã chính thức bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch chứng khoán. Đây là một tiêu chí quan trọng để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Và việc nâng hạn có khả năng đạt được vào cuối năm nay.
Việt Nam đã nằm trong danh sách xem xét nâng hạn từ năm 2018. Theo FTSE Russell, một công ty cung cấp chỉ số hàng đầu, ước tính việc nâng hạng thị trường có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 6 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP, vào Việt Nam.
Cùng với đó, những cải cách nhằm nâng cao mức độ minh bạch và công bố thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm nhà đầu tư toàn cầu, cũng như mở rộng số lượng nhà đầu tư trong nước, cũng rất đáng khích lệ.
Theo nhận định của HSBC, việc nâng hạn thị trường đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam - quốc gia đi sau so với các láng giềng ASEAN nếu xét về mức độ phát triển thị trường chứng khoán. Các chính sách mới sẽ giúp cải thiện thị trường vốn, để Việt Nam bắt kịp các thị trường khác và nhằm đa dạng hóa cũng như mở rộng các kênh huy động vốn để tạo sức bền tài chính.
Bên cạnh khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, việc mở rộng và đa dạng hóa nhà đầu tư trong nước sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vững vàng đạt được mục tiêu: quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120%, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP vào năm 2030.
Hà Linh
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/viet-nam-la-thi-truong-chung-khoan-co-ket-qua-tot-nhat-dong-nam-a-ar925131.html