Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất và chế tạo áo giáp chống đạn K51 và K56

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất và chế tạo áo giáp chống đạn K51 và K56
4 giờ trướcBài gốc
Áo giáp chống đạn là một trong các thành phần thuộc bộ trang phục của người lính trên chiến trường, được nhiều quốc gia phát triển theo các chương trình hiện đại hóa trang phục cho người lính. Ở Việt Nam trước đây, các loại áo giáp chống đạn mà lực lượng vũ trang sử dụng phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài, giá thành cao, không phù hợp với điều kiện khí hậu, thể lực và vóc dáng người Việt.
Từ những yêu cầu bức thiết, Nhà máy Z117 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu thiết kế, làm chủ công nghệ và sản xuất thành công loại áo giáp chống đạn K51 và K56, giúp bảo vệ người lính trước các cuộc tấn công. Bộ áo giáp gồm 1 vỏ áo, 2 cụm giáp cứng, 2 cụm giáp mềm đặt ở nửa thân trước và sau.
Công nhân nhà máy Z117
Cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật của Nhà máy đã tìm hiểu kỹ đặc tính của các loại vật liệu, hiểu rõ cơ chế phá hủy của viên đạn. Để chống lại lực phá mạnh của viên đạn, vật liệu phải ngăn chặn được sự xuyên thủng và hấp thụ được toàn bộ năng lượng động học của đạn. Vì thế, áo giáp phải có độ giãn, độ bền và tốc độ sóng ngang trong sợi vải rất cao để phân tán lực của đầu đạn ra một diện tích lớn hơn. Từ đây, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được loại vật liệu phù hợp để chế tạo tấm giáp chống đạn - bộ phận quan trọng nhất của sản phẩm.
Ông Bùi Tiến Linh, phòng Kỹ thuật Công nghệ, Nhà máy Z117 cho biết, xuất phát từ mục đích trang bị cho người lính để bảo vệ họ trước các mối đe dọa từ 2 loại súng. Nhà máy Z117 đã đi sâu nghiên cứu vật liệu composite, chế tạo hai loại giáp chống đạn chính là giáp cứng chống đạn 7,62 x 39 bắn súng tiểu liên AK và loại giáp mềm chống đạn 7,62 x25 bắn súng ngắn K54. Từ công nghệ làm được sản phẩm này đã giúp người lính tự tin hơn trong vấn đề tác chiến, cũng như bảo vệ người lính trong các trường hợp xảy ra trong tác chiến, có thể sống sót sau những cuộc tấn công từ các loại súng trên.
Đáng chú ý, cụm giáp cứng được chế tạo từ vải polyester cao phân tử, dạng cong ôm sát thân, trọng lượng khoảng 1,2kg. Cụm giáp mềm chế tạo từ vải sợi polyester cao phân tử, dạng vát 2 bên nách, ôm sát thân khi mặc, trọng lượng khoảng 0,8kg. Vật liệu chế tạo tấm giáp là sợi nhựa polyester cao phân tử, được dệt thành các tấm giống như vải may mặc thông thường.
Áo giáp chống đạn được sản xuất tại nhà máy Z117
Quá trình chế tạo, các tấm vải nhựa polyester sẽ được cắt theo kích thước mong muốn, sau đó được xếp thành nhiều lớp trong khuôn và vừa ra nhiệt, vừa ép để tạo ra một khối rắn chắc, có tác dụng chống đạn. Để làm được chiếc áo giáp thành phẩm phải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi các công nhân Nhà máy Z117 rất cẩn trọng và tỉ mỉ.
Để đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật khắt khe, quy trình chế tạo áo giáp được tiến hành trong điều kiện nghiêm ngặt và kiểm nghiệm kỹ càng trước khi đưa vào bàn giao. Hiện tại, nhà máy đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình công nghệ sản xuất và thiết kế đồng bộ áo giáp chống đạn với các trang thiết bị có sẵn trong nước.
Với đội ngũ kỹ sư, công nhân và trang thiết bị hiện có, Nhà máy Z117 có khả năng sản xuất được hàng chục nghìn bộ áo giáp chống đạn K51 và K56 mỗi năm.
Thiếu tá Đặng Xuân Hạnh, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật -Nhà máy Z117 cho biết: "Áo giáp chống đạn đạn K51 chống được đạn K51 bắn súng trường. Áo giáp chống đạn K56 chống được đạn bắn trên súng K56. Hiện tại áo giáp chống đạn tính năng tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, còn vượt trội hơn cả người nước ngoài khi mình làm chủ được công nghệ sản xuất và chế tạo, không phải phụ thuộc vào quá trình nhập khẩu".
Thiếu tá Đặng Xuân Hạnh, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật -Nhà máy Z117 kiểm tra sản phẩm
Sự ra đời của sản phẩm áo giáp chống đạn đã thể hiện tư duy nhạy bén và khả năng làm chủ khoa học - công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật Nhà máy Z117. Với hệ thống máy móc, dây chuyền, thiết bị được đầu tư chiều sâu, đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật tay nghề cao, cùng với định hướng chiến lược phát triển đúng đắn sẽ là nền tảng để Nhà máy Z117 tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao trong tương lai. Đây là 1 trong các sản phẩm tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ 2 năm 2024 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19-22/12.
Lại Hoa/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/viet-nam-lam-chu-cong-nghe-san-xuat-va-che-tao-ao-giap-chong-dan-k51-va-k56-post1142804.vov