Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Thương vụ Việt Nam tại Singapore dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore, quý 1/2025 cho thấy, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản từ thế giới của Singapore đạt gần 283,6 triệu SGD (215,7 triệu USD), tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về chủng loại, Singapore có nhu cầu tương đối đồng đều với 4 nhóm chính là cá tươi/ướp lạnh trừ phile cá và thịt cá (0302); cá cấp đông trừ phile cá và thịt cá (0303); phile cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304); động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306). Giá trị nhập khẩu mỗi nhóm đều đạt trên 50 triệu SGD (38 triệu USD) trong quý 1/2025.
Tuy nhiên, trong 4 nhóm chính này, nhóm cá cấp đông trừ phile cá và thịt cá (0303) là nhóm duy nhất có tăng trưởng dương về giá trị xuất khẩu với +21,4% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm còn lại giảm nhẹ từ 1 - 4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Singapore còn có nhu cầu nhập khẩu đối với các nhóm cá sống (0301); cá đã qua chế biến (0305); động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến (0307); động vật thủy sinh không xương sống đã/chưa qua chế biến trừ giáp xác/thân mềm (0308).
Về thị trường, quý 1/2025, Malaysia và Indonesia là hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Singapore với lần lượt 37,4 triệu SGD (28,4 triệu USD) và 32,2 triệu SGD (24,5 triệu USD), chiếm lần lượt 13,2% và 11,4% tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của nước này.
Singapore chủ yếu nhập khẩu động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) và cá tươi/ướp lạnh trừ phile cá và thịt cá (0302) từ hai thị trường trên.
Nauy là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba của Singapore với 30,4 triệu SGD (23,1 triệu USD), chiếm 10,7% thị phần. Singapore tập trung nhập khẩu nhóm cá tươi/ướp lạnh trừ phile cá và thịt cá (0302) từ Nauy.
Việt Nam là đối tác cung ứng thủy sản lớn thứ tư cho Singapore với 18,5 triệu USD trong quý 1/2025. Đây cũng là kỳ đầu tiên Việt Nam vươn lên Top 4 thị trường nhập khẩu thủy sản của nước này, theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore.
Hiện phile cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304) là nhóm thủy sản Singapore nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam với 14 triệu SGD (10,6 triệu USD), tăng 2,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là nhóm thủy sản Việt Nam thống lĩnh tại thị trường này khi chiếm tới 27,8% tỷ trọng nhập khẩu của Singapore.
Trong quý 1/2025, Việt Nam còn cung cấp cho Singapore hai nhóm sản phẩm khác, bao gồm động vật giáp xác đã/chưa qua chế biến (0306) như tôm và cua... và động vật thân mềm đã/chưa qua chế biến (0307) như mực và bạch tuộc... với lần lượt 5,6 triệu SGD (4,2 triệu USD) và 4,9 triệu SGD (3,7 triệu USD), chiếm lần lượt 8,3% và 16,5% tỷ trọng.
Đưa ra dự báo về tình hình nhập khẩu thủy sản của Singapore thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, quy mô thị trường thủy sản nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á này dự báo duy trì ổn định, Việt Nam có thể tiếp tục giữ được thị phần tốt đối với nhóm phile cá và thịt cá ướp lạnh/cấp đông (0304).
Tuy nhiên, đối với các nhóm khác, ngoài chịu sự cạnh tranh từ Malaysia và Indonesia, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sức ép từ một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên cập nhật quy định sở tại, cải tiến mẫu mã bao bì, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm..., nhằm tăng sức cạnh tranh với các thị trường khác.
Lê Hồng Nhung