Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại phiên họp trong chương trình Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 53. (Ảnh: MOET)
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hai ngày 1 và 2/7, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 53 tại Brunei Darussalam.
Tham dự Hội nghị lần này có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục của 11 quốc gia thành viên cùng Ban thư ký Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO), Giám đốc 26 Trung tâm trực thuộc SEAMEO và đại diện các quốc gia tổ chức đối tác khu vực và quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã điều hành phiên hai Đối thoại Chiến lược giáo dục lần thứ 7 với chủ đề “Giáo dục xanh”. Tại đây, Thứ trưởng đã chia sẻ với các đại biểu về chiến lược “Giáo dục xanh” của Việt Nam trong bối cảnh ứng phó với và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, trong đó xác định giáo dục là yếu tố then chốt trong việc chuyển đổi tư duy và hình thành lực lượng lao động có kỹ năng, sáng tạo, thích ứng với nền kinh tế xanh.
Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) đi thực địa, trải nghiệm tự nhiên, trồng cây xanh tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. (Ảnh minh họa)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động chương trình “Giáo dục xanh - Thể thao xanh” với nhiều hoạt động cụ thể như: Tiếng nói Xanh, Ngôi trường Xanh, thúc đẩy phong trào trồng cây, tiết kiệm năng lượng, lồng ghép vào chương trình học và hoạt động ngoại khóa.
Trong đó, mô hình “Ngôi trường Xanh” được dựa trên nguyên tắc 7R, đó là: Rethink (thay đổi tư duy); Refuse (từ chối); Reduce (giảm); Reuse (tái sử dụng); Recycle (tái chế); Repair (sửa chữa) và Replace (thay thế). Những “Ngôi trường Xanh” đang được nhân rộng không chỉ giảm bớt gánh nặng môi trường, mà còn giúp nâng cao hiệu quả học tập, giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị bền vững của môi trường sống.
Đối với bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo đang được đổi mới theo hướng phát triển nguồn nhân lực xanh, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm tăng tính thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng thích ứng của người học với thị trường lao động xanh.
Tại buổi Đối thoại, các đại biểu đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh cam kết ưu tiên “Giáo dục xanh” như một chiến lược chuyển đổi vì tương lai bền vững. Tuyên bố nhấn mạnh việc lồng ghép giáo dục môi trường và phát triển bền vững vào tất cả các cấp học, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế, đồng thời ưu tiên hỗ trợ các nhóm học sinh yếu thế. Tuyên bố cũng đề cập đến việc tăng cường đào tạo giáo viên, nâng cao năng lực truyền thông, xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả các sáng kiến "Giáo dục xanh".
THANH XUÂN