Sáng 16/12, cuộc họp nhóm cuối kỳ nhóm chuyên gia các cơ quan quản lý nhà nước và cùng công bố Báo cáo của Dự án Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mekong - Lan Thương” trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy đã diễn ra tại Hà Nội.
Cuộc họp có sự tham gia của các lãnh đạo thuộc Bộ Giao thông Vận tải cùng đại biểu các nước Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho biết mục tiêu cụ thể, chính yếu nhất của Dự án mà Việt Nam mong muốn là xây dựng được diễn đàn chung hợp tác về kỹ thuật trong lĩnh vực vận tải đường thủy.
Qua đó 6 nước khu vực có thể gặp gỡ, trao đổi về quy định kỹ thuật tiến tới hài hòa hóa để phát triển vận tải bằng đường thủy bền vững trên dòng sông chung. Đặc biệt, từ đó có thể tiến tới thiết lập mạng lưới vận tải bằng đường thủy xuyên suốt 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Ông Thu nhấn mạnh, báo cáo không chỉ là kết quả nghiên cứu của Dự án, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở tham chiếu trong việc xây dựng các quy định kỹ thuật và hệ thống quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực vận tải đường thủy. Đây còn là một minh chứng cụ thể về hiệu quả mà Cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương mang lại cho các quốc gia cùng chung dòng sông Mekong.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tại cuộc họp, ông Miao Weicheng, Tham tán Công sứ Trung Quốc, cho biết, Hợp tác Mekong - Lan Thương hiện là một trong những cơ chế hợp tác tiểu vùng năng động nhất. Dự án Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mekong - Lan Thương là dự án đầu tiên của Việt Nam được Quỹ đặc biệt MLC hỗ trợ. Việt Nam là quốc gia tham gia quan trọng và đóng góp tích cực vào hợp tác Mekong - Lan Thương.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu và Tham tán Công sứ Trung Quốc Miao Weicheng (phải).
Theo ông Wei, từ năm 2020, Trung Quốc hỗ trợ gần 7 triệu USD cho Việt Nam thông qua Quỹ đặc biệt MLC, được đầu tư chính xác vào các cơ sở bảo tồn nước, thương mại biên giới, đào tạo kỹ năng, sản xuất nông nghiệp và các dự án hướng đến con người khác, đóng góp tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phản ánh sự hợp tác hiệu quả và thực tế giữa Trung Quốc và Việt Nam.
"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước để tiếp tục phát huy tinh thần Mekong - Lan Thương: 'phát triển trước tiên, tham vấn bình đẳng, thực chất và hiệu quả, cởi mở và bao dung', qua đó đóng góp tích cực vào việc đạt được sự phát triển chung. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương, sẵn sàng hỗ trợ triển khai nhiều dự án hơn tại Việt Nam và mang lại lợi ích cho nhiều người dân hơn trong khu vực", ông Wei nói.
Sông Mekong và sông Lan Thương là một con sông mang hai tên gọi. Ở địa phận Trung Quốc, Myanmar có tên sông Lan Thương, khi chảy qua địa phận các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam được gọi là sông Mekong. Sông Mekong - Lan Thương dài hơn 4.900 km từ cao nguyên Tây Tạng ra biển, mang đến khả năng tiếp cận giao thông đường thủy tự nhiên và kinh tế cho các khu vực rộng lớn của 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Để có thể gìn giữ nguồn tài nguyên này và khai thác sử dụng cho nhiều mục đích phục vụ kinh tế xã hội, Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) đã được xây dựng với sự tham gia của 6 quốc gia theo sáng kiến của Thái Lan vào năm 2012.
Tại Hội nghị cấp cao tổ chức lần thứ nhất vào năm 2016 tại Vân Nam, Trung Quốc với chủ đề “Chung một dòng sông, chung một tương lai”, Quỹ đặc biệt MLC được thành lập với mục tiêu góp phần triển khai thực hiện các định hướng lớn của cơ chế hợp tác, đề xuất dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy của Việt Nam đã được thông qua.
Hoa Vũ - Thạch Anh