Từ ngày 27 - 29.4, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản đã có có chuyến thăm Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã ký kết Thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam.
Đồng thời, trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki ký kết Thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam. Ảnh: Bộ GD-ĐT
Theo Bản Thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam, để tiếp tục thực hiện việc triển khai dạy và học tiếng Nhật, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ GD-ĐT Việt Nam cùng thống nhất nỗ lực hợp tác thúc đẩy dạy tiếng Nhật ở bậc tiểu học và bậc trung học tại Việt Nam.
Cụ thể, triển khai giảng dạy tiếng Nhật ở các cấp học phổ thông (từ lớp 3 đến lớp 12) trên toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2034.
Căn cứ nhu cầu của người học và điều kiện thực tế, các địa phương có thể xem xét hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 tại một số trường tiểu học và trung học, đảm bảo có tính liên thông phù hợp với quá trình hoàn thành chương trình học tập của học sinh.
Ngoài ra, tại các địa phương đang giảng dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 2 ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, cơ quan chức năng xem xét duy trì sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo tiếng Nhật tiếp tục được giảng dạy một cách ổn định, giúp học sinh có thể hoàn thành chương trình học tập.
Để triển khai thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong phạm vi ngân sách cho phép đối với các trường đang giảng dạy tiếng Nhật. Bên cạnh đó, hợp tác hỗ trợ trong khả năng có thể việc cử chuyên gia tiếng Nhật hỗ trợ hoàn thiện chương trình và biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật; cung cấp các tài liệu học tập và tài liệu tham khảo cần thiết cho việc dạy và học tiếng Nhật.
Nhật Bản cũng sẽ cử chuyên gia tiếng Nhật đến các trường phổ thông, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Nhật người Việt Nam theo quy định và đảm nhận một số giờ dạy với tư cách là trợ giảng trong trường hợp cần thiết. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Nhật và phương pháp dạy học tiếng Nhật cho giáo viên; tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý của các trường tham quan, học tập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa tại Nhật Bản hằng năm trong phạm vi có thể…
Trước đó, tháng 5 năm 2013, Chính phủ hai nước Nhật Bản và Việt Nam đã ký “Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam”, trong đó thống nhất về việc tiếp tục phát triển hơn nữa việc đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc phổ thông cấp trung học (trung học cơ sở và trung học phổ thông) và nhất trí đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc tiểu học.
Tháng 2 năm 2016, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ GD-ĐT Việt Nam đã ký Bản Thỏa thuận khung về việc dạy tiếng Nhật để thực hiện tốt công tác giảng dạy tiếng Nhật bậc tiểu học và bậc trung học tại Việt Nam trong thời gian 10 năm.
Theo Bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, hai bên nhất trí sẽ tiếp nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực bán dẫn. Đồng thời, tăng gấp đôi số lượng sinh viên tham gia Chương trình nghiên cứu Khoa học Sakura về giao lưu nhân lực thế hệ mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tiên tiến của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bán dẫn.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã tới thăm Trường Đại học Việt Nhật, một trong những biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Tại Việt Nam, tiếng Nhật được thí điểm giảng dạy như Ngoại ngữ 2 từ năm học 2003-2004 và như Ngoại ngữ 1 tại một số trường phổ thông từ năm học 2016-2017.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Nhật - Ngoại ngữ 1 cho phép học sinh cả nước lựa chọn học tiếng Nhật từ Lớp 3. Năm 2024, kỳ thi Olympic tiếng Nhật được tổ chức lần đầu tiên.
Theo khảo sát của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, có khoảng 73 cơ sở giáo dục đại học có giảng dạy tiếng Nhật, với tổng số 47.670 người học. Trong đó, 51 trường đào tạo chính quy chuyên ngành tiếng Nhật và Nhật Bản học với khoảng 13.413 người học.
Nguyễn Liên