Ảnh minh họa: CAND.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 157 ngày 5/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Cụ thể, về cơ chế, chính sách; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép để kịp thời bổ sung thêm đầy đủ các cơ chế để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trong tháng 5/2025.
Bộ Xây dựng khẩn trương tiếp thu các ý kiến của các Bộ, cơ quan để hoàn thành, trình Chính phủ chậm nhất hoàn thành trước ngày 10/4/2025.
Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội, TP HCM xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết để triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15; hoàn thành trước ngày 15/4/2025.
Khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và hướng dẫn cho phép chủ đầu tư được triển khai thực hiện đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; hoàn thành trong tháng 6/2025.
Khẩn trương xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; hoàn thành trong tháng 5/2025.
Nghiên cứu xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp tư nhân); hoàn thành trong tháng 6/2025.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng Nghị định quy định việc tạm sử dụng rừng và hoàn trả rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ dự án, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Nghị định quy định phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ; hoàn thành tháng 6/2025.
Xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt
Về phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Xây dựng xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6/2025; phối hợp với Tổng công ty đường sắt Việt Nam, các cơ quan, trường, đơn vị, địa phương liên quan để xác định rõ nhu cầu, hình thức, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác các dự án…
Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình tập đoàn) để tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quá trình triển khai thực hiện và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi các dự án hoàn thành; hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát quy hoạch các đại học, trường đại học, trường cao đẳng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo trong nước phục vụ đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và phát triển công nghiệp đường sắt.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, liên quan rà soát các chính sách để huy động các tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia việc đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt.
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xem xét giao Tập đoàn Viettel và VNPT chủ trì đảm nhận trong việc tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Đối với đề xuất, kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, về nguyên tắc, Thủ tướng đồng ý đối với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động chủ trì, phối hợp với các đối tác có năng lực lập Hồ sơ dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt theo trình tự, thủ tục, quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, trên cơ sở hồ sơ sơ bộ phạm vi giải phóng mặt bằng trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các địa phương có dự án đi qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, chủ động ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các Dự án; các địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận các ga đường sắt.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng hằng tháng về Ban Chỉ đạo qua Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khởi công tháng 12
Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án cụ thể. Về tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính được giao trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 4/2025 để tiến hành thẩm định, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12/2025.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao dự thảo và gửi Công thư của Phó Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách lĩnh vực để hỗ trợ về vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này.
Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Xây dựng có trách nhiệm trình Chính phủ bổ sung cơ chế về chỉ định thầu cho dự án trong tháng 4/2025; tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Về các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội và TP HCM khẩn trương triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội: Xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương; hoàn thành trong tháng 5/2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu hai thành phố này rà soát lại kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án. Đồng thời, phải có trách nhiệm phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; báo cáo kịp thời tình hình triển khai.
Bộ Tài chính được giao hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND TP Hà Nội.
Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao nêu trên; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng bố trí lịch họp Ban Chỉ đạo định kỳ hằng tháng.
Thu Thảo
Theo Cổng TTĐT Chính phủ