Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng lên đường sang Myanmar
Lực lượng tinh nhuệ trong tình huống khẩn cấp
Trước diễn biến nghiêm trọng của trận động đất 7,7 độ Richter xảy ra tại Myanmar ngày 28-3, Chính phủ Myanmar đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực ASEAN đã cử lực lượng, phương tiện tới giúp Chính phủ và nhân dân Myanmar như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Mỹ, Australia, Tổ chức Y tế thế giới... Với truyền thống tương thân, tương ái, để giúp bạn vượt qua khó khăn, Việt Nam đã nhanh chóng điều động hai lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sang nước bạn để tham gia cứu hộ, hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Lễ xuất quân Đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an được tổ chức trưa 30-3. Đoàn gồm 26 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) chuyên nghiệp, do đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH làm trưởng đoàn. Đây là lực lượng tinh nhuệ, từng tham gia cứu nạn quốc tế và có kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp. Đoàn mang theo các thiết bị hỗ trợ tìm kiếm, y tế, hai chó nghiệp vụ và đội ngũ chuyên môn gồm bác sĩ, cán bộ phiên dịch và đối ngoại.
Từ khi nhận lệnh nhiệm vụ cho tới khi lên đường là khoảng thời gian rất ngắn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ công an thuộc Đoàn công tác cứu hộ đã luôn sẵn sàng với tác phong khẩn trương nhất. Đoàn đã nhanh chóng tìm hiểu về địa hình, đặc điểm công trình nhà ở tại Myanmar để đảm bảo an toàn. Trong đoàn có nhân viên y tế kèm trang thiết bị, vật tư để cứu chữa cho các nạn nhân bị mắc kẹt còn sống sót.
Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng gồm 80 đồng chí, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn đảm nhiệm vai trò Tổng Chỉ huy các lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, làm trưởng đoàn, cũng đã lên đường sang Myanmar. Đoàn gồm lực lượng nòng cốt của các đội hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa quốc tế của Bộ Quốc phòng từ: Binh chủng Công binh, các Bệnh viện Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cục Cứu hộ - Cứu nạn và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị. Đây là lực lượng đa năng, bao gồm các nhóm chỉ huy, thông tin tuyên truyền, tìm kiếm cứu nạn, chó nghiệp vụ và quân y. Đoàn công tác mang theo các trang thiết bị, vật chất, thuốc men cần thiết, 6 chó nghiệp vụ và nhiều tấn hàng hóa.
Chỉ trong thời gian ngắn chưa đến 20 tiếng kể từ được triển khai, giao nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị của quân đội đã quán triệt, thực hiện đầy đủ, chu đáo mọi công tác chuẩn bị đến từng người, từng thành phần lực lượng, cả về tư tưởng, tinh thần, lực lượng, tổ chức, trang thiết bị, hậu cần và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với nhau. Qua đó thể hiện tính chủ động cao, tinh thần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được ngay trong mọi điều kiện, hoàn cảnh... Các quân nhân đều sẵn sàng về mọi mặt để thực hiện nhiệm vụ tại nước bạn.
Theo kế hoạch, cả hai đoàn của Việt Nam có mặt tại Myanmar trong tối 30-3 và lập tức triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại khu vực tâm chấn, nơi đang bị thiệt hại nặng nề bởi động đất. Trong thời gian khoảng 10 ngày, hai đoàn sẽ tìm kiếm người còn sống trong đống đổ nát, cấp cứu y tế, phối hợp khắc phục hậu quả và triển khai các hỗ trợ nhân đạo theo yêu cầu từ phía Myanmar.
Phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng cứu nạn ra nước ngoài. Trước đó, cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều từng cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ trong thảm họa động đất đầu năm 2023. “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” không chỉ là cam kết, mà còn thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam đối với quốc tế. Với chủ trương, quan điểm đó, trong nhiều vấn đề liên quan đến quốc tế, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình, chủ động tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của nhân loại, vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Thêm vào đó, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam đã phải chứng kiến nhiều cuộc tàn phá khốc liệt do thiên tai, bão lũ gây ra. Vì thế, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam luôn chủ động chuẩn bị cho mình những điều kiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Mặt khác, mỗi khi thiên tai, bão lũ gây ra thiệt hại cho một vùng đất nào đó, một địa phương nào đó, thì Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các biện pháp khắc phục kịp thời; đồng thời luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của mọi tầng lớp nhân dân. Quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với những người không may gặp khó khăn trong cuộc sống đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trở thành nhân cách sống của mỗi người dân Việt Nam.
Chính vì thế, với việc cử hai đoàn chuyên trách thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sang Myanmar để tham gia cứu hộ, hỗ trợ khắc phục hậu quả, Việt Nam tiếp tục thể hiện tinh thần sẵn sàng chia sẻ, trách nhiệm quốc tế và nhân đạo trong các tình huống khẩn cấp toàn cầu, thể hiện truyền thống, đạo lý “Thương người như thể thương thân” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là với Myanmar, đất nước Việt Nam có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp.
Ngay sau khi hai nước giành độc lập, đích thân hai lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San đã quan tâm thiết lập và vun đắp quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc.
Việt Nam đã mở Văn phòng liên lạc tại Thủ đô Yangon ngay từ năm 1947 và Myanmar trong suốt nhiều năm là một trong những cửa ngõ quan trọng của Việt Nam ra thế giới. Ngày nay, Việt Nam và Myanmar là các đối tác bình đẳng, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng tới khát vọng chung là đất nước phát triển, dân tộc phồn vinh, khu vực và thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; đồng thời là những người bạn chân thành, chia sẻ ngọt bùi, thấu hiểu và sát cánh bên nhau.
Phát biểu tại Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng Bộ Quốc phòng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các thành viên trong đoàn công tác phải quán triệt nghiêm túc nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhất, đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao phó.
Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo trong quá trình làm nhiệm vụ, đoàn phải luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân nước bạn theo khả năng, điều kiện cho phép; không gây phiền hà cho chính quyền và nhân dân nước bạn. Bên cạnh đó, các thành viên đoàn công tác cần giải quyết tốt mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng của ta với các lực lượng quốc tế, chính quyền, nhân dân nước sở tại trong thực hiện nhiệm vụ; chấp hành nghiêm pháp luật quốc tế, pháp luật của nước bạn và kỷ luật quân đội, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị.
Hoàng Sơn