Nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã mang đến kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.
Đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng
Một thông tin quan trọng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Phiên họp lần thứ nhất, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, đó là nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, không chỉ là đầu tư sản xuất - kinh doanh, mà còn là xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực bán dẫn, AI.
Con số được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới là 174 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Nhưng đây chỉ là con số hiện hữu của các dự án từ Intel, Amkor, HanaMicron… Thông tin cho biết, còn nhiều dự án lớn khác, có thể có quy mô lên tới hàng tỷ USD, sẽ được đầu tư trong thời gian tới.
“Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu, như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... Họ đã có kế hoạch cụ thể về chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm R&D, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
NVIDIA tất nhiên là một cái tên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Bởi lẽ, sự kiện NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam về việc phát triển Trung tâm R&D AI và Trung tâm Dữ liệu AI đầu tháng 12/2024 không chỉ gây tiếng vang lớn ở Việt Nam, mà còn trên toàn cầu.
Thỏa thuận hợp tác với NVIDIA chính là dấu ấn quan trọng cho sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Có tới 2 tổ công tác đã được thành lập để thảo luận và cụ thể hóa các phương án hợp tác. Và kết quả không chỉ là thỏa thuận chiến lược với NVIDIA, mà quan trọng hơn, đã góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, như là một điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và AI.
Không chỉ Chính phủ hay các bộ, ngành, mà cả các địa phương cũng rất nỗ lực trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp xương sống này. Vĩnh Phúc là một ví dụ.
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hồ hởi cho biết, Vĩnh Phúc hiện có một dự án 300 triệu USD trong lĩnh vực bán dẫn và tới đây sẽ có thêm 1 dự án 100 triệu USD nữa. Dự án 300 triệu USD đó trước đây do ISCVina đầu tư, nhưng mới đây đã được Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mua lại.
“Chúng tôi có 200 doanh nghiệp ngành điện tử, với doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, thu hút 66.000 lao động. Ngoài nguồn nhân lực đào tạo mới, dự kiến khoảng 1.500 người/năm, thì đây là nguồn nhân lực có thể đào tạo chuyển đổi để sẵn sàng cho ngành bán dẫn”, ông Trần Duy Đông nói và cho biết, Vĩnh Phúc cũng đang sẵn sàng chuẩn bị về hạ tầng, điện nước, logistics cho ngành bán dẫn.
Bắc Ninh và Đà Nẵng cũng thế. Thậm chí, Bắc Ninh còn đang đi đầu với hàng loạt nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn đã đầu tư vào đây, như Amkor, Samsung, IMT Demiconductor…
“Chúng tôi đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù trong thu hút đầu tư, như rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian cấp phép trong lĩnh vực bán dẫn, bảo đảm hạ tầng, đặc biệt là đường dây diện song song, không để xảy ra mất điện…”, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói.
Sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn
Nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã mang đến những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy vậy, đó vẫn chỉ là những bước đi ban đầu.
Thỏa thuận hợp tác với NVIDIA là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã nhấn mạnh việc phải thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược Phát triển và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. “Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta trong thời gian tới; là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được”, Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phải đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế sở hữu năng lực sản xuất bán dẫn, thu hút các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp có vai trò quyết định hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn chuyển dịch chuỗi cung ứng, trung tâm R&D, phòng thí nghiệm bán dẫn… về Việt Nam.
Dù được xác định có tiềm năng rất lớn, nhưng rõ ràng, để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này, câu chuyện không đơn giản. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến chuyện giao hàng trong nước mất nhiều thời gian hơn xuất khẩu ra nước ngoài rồi nhập khẩu lại, để nhấn mạnh về những vấn đề mà các nhà đầu tư ngành bán dẫn đang phải đối mặt, cũng như những vấn đề mà Việt Nam cần cải thiện.
Amkor, nhà sản xuất bán dẫn ở Bắc Ninh, đang vướng vấn đề đó. Họ giao hàng từ Bắc Ninh đến Bắc Giang còn mất thời gian hơn từ Amkor Hàn Quốc về Bắc Giang. Ở Việt Nam, giao hàng nội địa có thể mất 24-48 giờ, còn hàng nhập khẩu về chỉ mất dưới 24 giờ.
Chưa kể, còn các vấn đề mà các nhà đầu tư lo lắng, như hệ thống cấp điện, nước ổn định, hạ tầng cơ sở hoàn thiện…
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, dứt khoát không được để thiếu điện, nước. Cùng với đó, tập trung đào tạo nhân lực và đặc biệt đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành quy định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Nhiệm vụ này đang được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Chúng tôi cũng rất mong các quy định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư sớm được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã nói như vậy.
Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn, chờ đợi từ lâu. Quy định này sẽ tạo cú hích lớn để Việt Nam thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, qua đó góp phần quan trọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Nguyên Đức