Từ “kinh tế hòa bình” - vượt khó để ổn định
Ngay sau ngày 30/4/1975, Việt Nam phải đối mặt với một thực tế khốc liệt: hạ tầng bị tàn phá, nền kinh tế kiệt quệ, người thất nghiệp, nghèo đói lan rộng, vật tư thiếu thốn, giá cả leo thang… Mục tiêu trọng yếu của nhà nước lúc đó là tái thiết đất nước, đảm bảo an sinh cơ bản, bảo vệ chủ quyền và giữ vững trật tự xã hội.
Tuy nhiên, đến năm 1986, chính sách Đổi mới được khởi xướng đã đặt nền móng cho một giai đoạn tăng trưởng mới. Việt Nam dần dần chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Những thay đổi trong tư duy và thể chế kinh tế đã mở đường cho khu vực tư nhân phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, gia tăng xuất khẩu và từng bước đưa người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Việt Nam gia nhập ASEAN, ký hàng loạt FTA và chính thức trở thành thành viên của WTO vào năm 2007. Từ đó, nền kinh tế bước vào chu kỳ tăng trưởng cao, với GDP tăng đều đặn, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và cơ hội việc làm lan rộng. Đây chính là thành quả lớn nhất của “kinh tế hòa bình” - một mô hình hướng đến ổn định, an ninh và tăng trưởng.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, dù đạt được nhiều thành tựu, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn mang tính truyền thống, dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và công nghiệp gia công. Hệ quả là giá trị gia tăng thấp, hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên kém, trong khi áp lực môi trường ngày càng lớn…
Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, các tiêu chuẩn phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, quản trị minh bạch... ngày càng trở thành yêu cầu bắt buộc. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để kinh tế Việt Nam không chỉ “tăng trưởng” mà còn “phát triển”? Không chỉ thu hút đầu tư mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân?
Kinh tế hòa nhân không nằm ở tốc độ tăng trưởng, mà ở cách tăng trưởng, cách mà các doanh nghiệp đầu tư để không làm tổn hại đến thiên nhiên
Đến “kinh tế hòa nhân” - Mô hình phát triển doanh nghiệp của thời đại mới
Kể từ sau đại dịch Covid-19 và trước áp lực toàn cầu về môi trường - công nghệ - đạo đức doanh nghiệp, Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ sang một mô hình phát triển mới: “kinh tế hòa nhân” - phát triển lấy con người làm trung tâm, hài hòa giữa các lợi ích, nhấn mạnh trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và gắn kết cộng đồng.
Theo bà Dương Tường Nhi - CEO của Happy Lifestyle, Trưởng cộng đồng Tư duy thiết kế tại TECHFEST Việt Nam cho rằng, khái niệm “kinh tế hòa nhân” không tồn tại trong khoảng trống, mà là một phần của xu hướng toàn cầu hướng đến những mô hình phát triển nhân văn và bền vững hơn. Trên thế giới, Bhutan nổi bật với mô hình “kinh tế hạnh phúc”, đặt Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia làm thước đo phát triển thay cho GDP, nhấn mạnh đến sự cân bằng giữa tinh thần, văn hóa, môi trường và quản trị tốt. Trong khi đó, nhiều quốc gia Bắc Âu theo đuổi mô hình “kinh tế sáng tạo vì con người”, kết hợp giữa công nghệ, sáng tạo xã hội và phúc lợi toàn dân để tạo ra một hệ sinh thái phát triển không chỉ hiệu quả mà còn công bằng, bao trùm và khuyến khích cá nhân phát triển toàn diện.
So với các mô hình quốc tế, “kinh tế hòa nhân” mang sắc thái riêng khi đặt con người vào trung tâm của một tiến trình phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường - nhưng đồng thời đề cao yếu tố cộng đồng, bản sắc và trách nhiệm đa bên trong một xã hội đang chuyển mình nhanh chóng. Nếu “kinh tế hạnh phúc” nhấn mạnh nội tâm và tinh thần, thì “kinh tế hòa nhân” đi xa hơn bằng cách gắn kết các chủ thể - nhà nước, doanh nghiệp, người dân - trong một mô hình hợp tác phát triển chủ động, không ai bị bỏ lại phía sau, không ai đứng ngoài cuộc.
Nhiều chính sách trên thực tế đã được triển khai theo tinh thần này, thể hiện rõ định hướng chuyển từ mô hình phát triển thiên về tăng trưởng sang phát triển bao trùm, bền vững. Có thể kể đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, cùng với lộ trình thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại COP26. Trong lĩnh vực công nghiệp, mô hình khu công nghiệp sinh thái được thí điểm và mở rộng theo Quyết định 1154/QĐ-TTg, khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và tạo giá trị cộng sinh. Trong đô thị, Đề án phát triển thành phố thông minh...
Mới đây nhất là Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính, quy định cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025; nhằm thúc đẩy hệ sinh thái kinh doanh bền vững.
Hướng đến một nền kinh tế hòa bình, hòa nhân khi bước vào kỷ nguyên mới
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua, mà còn là cơ hội để xác định rõ hơn hướng đi tương lai. Trong đó, “kinh tế hòa nhân” chính là hướng đi cần được nuôi dưỡng lâu dài.
Đối với Việt Nam, “kinh tế hòa nhân” là sự kết hợp mang tính hài hòa, hợp lý và cần thiết cho “kinh tế hòa bình”. Nó không đối lập, mà là sự nâng cấp - chuyển từ khái niệm hòa bình thụ động sang hòa bình chủ động, từ ổn định sang nhân văn, từ tăng trưởng sang hạnh phúc. Và trên hành trình đó, không chỉ cần quyết sách đúng đắn từ Nhà nước, mà còn cần sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân, giới học thuật, và toàn xã hội. Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh. Hòa nhân không chỉ là sống tử tế. Đó là khi kinh tế phát triển không gây tổn thương - mà nuôi dưỡng - con người, thiên nhiên và tương lai.
Điểm đặc biệt của kinh tế hòa nhân không nằm ở tốc độ tăng trưởng, mà ở cách tăng trưởng. Đó là cách mà các doanh nghiệp đầu tư để không làm tổn hại đến thiên nhiên, cách chính quyền hoạch định chính sách không để ai bị bỏ lại phía sau và cách mỗi công dân cảm nhận được giá trị của mình trong dòng chảy phát triển chung.
Hạo Hiển