Việt Nam sẽ có 18 triệu người cao tuổi vào năm 2030

Việt Nam sẽ có 18 triệu người cao tuổi vào năm 2030
6 giờ trướcBài gốc
Người cao tuổi nhận chi trả lương hưu, trợ cấp. Ảnh: Thu Hiền.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, cho thấy Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với 2 người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc, song dự báo thời gian tới số người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng.
MỨC SINH GIẢM NHANH
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi hiện chiếm 67,4% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2019), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% (giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019), và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3% (tăng 1,6 điểm phần trăm so với năm 2019).
Chỉ số già hóa năm 2024 là 60,2%, tăng 11,4 điểm phần trăm so với năm 2019, và 16,9 điểm phần trăm so với năm 2014. Số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người (tương ứng gấp 1,25 lần) so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần) so với năm 2014.
Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Trong khi số người cao tuổi được dự báo có xu hướng tăng lên, thì mức sinh lại giảm đáng lo ngại. Tổng tỷ suất sinh (TFR) hiện là 1,91 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế.
Kể từ năm 2009 đến hết năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, và con số này giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Có sự khác biệt đáng kể về mức sinh giữa các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước.
Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao, cao hơn mức sinh thay thế (lần lượt là 2,34 con/phụ nữ, 2,24 con/phụ nữ). Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 1,48 con/phụ nữ, 1,62 con/phụ nữ).
Tổng tỷ suất sinh (TFR) là số con đã sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ (15-49 tuổi).
Tỷ suất sinh thô (CBR) của Việt Nam năm 2024 là 13,5 trẻ sinh sống/1.000 dân. Chỉ số này ở khu vực thành thị là 12,8 trẻ sinh sống/1.000 người dân; ở khu vực nông thôn là 13,9 trẻ sinh sống/1.000 người dân).
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam là 111,4 bé trai/100 bé gái, cao hơn khá nhiều so với mức cân bằng là khoảng 106 bé trai/100 bé gái. Theo Tổng cục Thống kê, tình trạng tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao này đã quan sát được từ nhiều năm nay ở Việt Nam.
Điều này là bằng chứng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài khá lâu ở Việt Nam và những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh, cùng với sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.
SỚM XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI DÂN SỐ GIÀ
Theo công bố của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, tính từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số, với tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số. Dự kiến vào năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%, và tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trên 14%.
Già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra những thách thức đến an sinh xã hội, chăm sóc y tế...Ảnh minh họa: Duy Nguyễn.
Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là nước ta chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số, sang xã hội dân số già, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển là 89 năm, Hoa Kỳ là 69 năm...
Như vậy, trong khi các nước có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dân dân số, thì Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ.
Già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn; tạo ra các tác động đa chiều, đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế, đến an sinh xã hội và văn hóa... ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế, trong đó trước mắt là cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế.
Đây cũng là vấn đề được cử tri nhiều địa phương đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, áp dụng những chủ trương, biện pháp nhằm giải quyết vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ Y tế, tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí, và hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân số, đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, đề án về công tác dân số trong tình hình mới nhằm thích ứng với già hóa dân số.
Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng Đề án xây dựng, phát triển nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; và xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa vào đề xuất xây dựng Luật Dân số “Chính sách thích ứng với già hóa dân số và dân số già”, nhằm xây dựng các giải pháp góp phần thích ứng với già hóa dân số, dân số già.
“Giải quyết vấn đề già hóa dân số là vấn đề lớn của đất nước, cần có sự phối hợp, tham gia của các Bộ, ngành để đề xuất giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả”, Bộ Y tế nhấn mạnh, và đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ để nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể.
Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ được thực hiện từ ngày 1/4/2024 là cuộc điều tra trong Chương trình điều tra thống kê Quốc gia được ban hành theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ lần thứ 2 được thực hiện ở Việt Nam, sau khi cuộc điều tra lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2014.
Cuộc điều tra chọn mẫu, quy mô mẫu lớn, cỡ mẫu khoảng 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn điều tra), mẫu được thiết kế đảm bảo mức độ đại diện đến cấp huyện đối với chỉ tiêu về quy mô dân số và cấp tỉnh đối với các chỉ tiêu còn lại. Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học, tình hình biến động dân số (sinh, chết và di cư), điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư.
Nhật Dương
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/viet-nam-se-co-18-trieu-nguoi-cao-tuoi-vao-nam-2030.htm