Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần khẳng định nỗ lực của Việt Nam cùng chung tay với các quốc gia trên thế giới thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Việt Nam sẽ chính thức vận hành thị trường tín chỉ carbon vào năm 2029 - Ảnh: Internet
Để tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và thực thi, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường quy định việc thành lập và phát triển thị trường carbon trong nước là một trong những nội dung quản lý phát thải khí nhà kính.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Tại đề án này, thị trường carbon trong nước được tổ chức triển khai thực hiện theo lộ trình: giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn chính thức từ năm 2029. Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng nghị định của Chính phủ về sàn giao dịch carbon trong nước.
Lấy ví dụ về mô hình vận hành sàn giao dịch carbon của một số nước phát triển trên thế giới, ông Zhang Xiliang, đại diện nhóm tư vấn cho biết, tại khu vực châu Á, Trung Quốc là một trong số những quốc gia tiên phong trong triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon, phát triển thị trường carbon trong nước. Trung Quốc đã đặt mục tiêu cụ thể để phát triển thị trường carbon trong nước. Để đạt được mục tiêu, họ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng: Luật Bảo toàn năng lượng, Luật Năng lượng tái tạo, bộ chính sách hướng dẫn về đạt đỉnh phát thải carbon; các tiêu chuẩn về năng lượng hiệu quả;...
Trung Quốc cũng đưa ra các cơ chế khuyến khích linh hoạt như: đầu tư và đổi mới các công nghệ phát thải thấp/không phát thải/phát thải “âm”; thay đổi mô hình sản xuất; thay đổi lối sống. Cùng với đó, xác định hạn mức phát thải cho các lĩnh vực phát thải lớn; hoặc xác định hạn mức phát thải cho các tỉnh/thành phố.
Thị trường carbon bắt buộc tại Trung Quốc ban đầu chỉ là chương trình quy mô nhỏ, sau đó đã mở rộng ra 8 lĩnh vực bao gồm sản xuất năng lượng và các ngành sản xuất chính điện/nhiệt, sắt thép, phi kim, vật liệu xây dựng, kỹ thuật hóa dầu, kỹ thuật hóa chất, và hàng không dân sự. Phương pháp phân bổ hạn ngạch chính tại Trung Quốc là phân bổ miễn phí dựa vào sản lượng, và tới đây sẽ khuyến khích đấu giá cho hạn ngạch được phân bổ sớm nhất có thể.
Nói về một số kinh nghiệm trong việc vận hành hệ thống trao đổi hạn ngạch của bang California (Mỹ) và Vương quốc Anh cho Việt Nam, ông Michael Mehling, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng, cần xác định rõ ràng vai trò thể chế và phối hợp các cấp khác nhau là yếu tố then chốt cho hoạt động hiệu quả của thị trường. Sự chắc chắn về mặt pháp lý liên quan đến cấu trúc thị trường, loại hình tài sản và nghĩa vụ tuân thủ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư và minh bạch thị trường. Việc sử dụng linh hoạt cơ chế đấu giá, quỹ dự trữ và liên kết thị trường góp phần hỗ trợ tính thanh khoản, sự linh hoạt trong tuân thủ và ổn định giá cả.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy sàn giao dịch carbon tại Việt Nam cần thiết phải có thiết chế giám sát linh hoạt nhưng vững chắc để quản lý các rủi ro. Tuy nhiên, thiết kế hệ thống cũng cần phù hợp với điều kiện trong nước như trình độ phát triển kinh tế, năng lực thể chế và hạ tầng hiện có.
Ông Michael Mehling cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tích hợp quản trị trong hệ thống giao dịch phát thải (ETS) vào chính sách khí hậu và chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên tăng cường năng lực nhằm quản lý tính phức tạp của hệ thống và bảo đảm sự tham gia hiệu quả, có hiểu biết của các bên liên quan.
"Việc xây dựng chiến lược triển khai ETS theo lộ trình, bắt đầu bằng giai đoạn thí điểm và mở rộng dần theo từng ngành, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn đầu", ông Michael Mehling nhấn mạnh.
Cũng theo ông Michael Mehling, việc phát triển một hệ thống đăng ký phát thải và hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch, khả năng tuân thủ và tạo tiền đề cho việc kết nối thị trường trong tương lai. Việc lồng ghép các cơ chế linh hoạt như tích lũy, vay mượn hoặc sử dụng tín chỉ bù trừ có thể giúp đa dạng hóa lựa chọn tuân thủ và nâng cao hiệu quả chi phí.
"Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan như tài chính, môi trường và công thương là yếu tố then chốt nhằm đơn giản hóa quy trình ra quyết định", ông Michael Mehling nhấn mạnh.
Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm hai loại là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Mỗi hàng hóa sẽ được cấp mã số duy nhất, đảm bảo không trùng lặp. Chủ thể khi tham gia giao dịch có tài khoản lưu ký. Việc đăng ký, cấp mã số được thực hiện tập trung để đảm bảo dữ liệu được thống nhất, đồng bộ.
Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán. Việc thanh toán tự động trên cơ sở kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gửi, theo nguyên tắc chuyển giao hàng hóa đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Thực tế, lộ trình giảm phát thải trong nông nghiệp được chuẩn bị từ năm 2014, khởi đầu với việc xây dựng tín chỉ carbon tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Tháng 10.2020, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) ký chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon.
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon, đến tháng 3.2024, Việt Nam đã nhận được tổng số tiền 51,5 triệu USD từ WB. Số tiền này đã được phân bổ về các địa phương. Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả, mang lại lợi ích cho khoảng 7.000 chủ rừng. Hiện tại, gần 400 tỉ đồng đã được các địa phương chi trả theo đúng quy định.
Tuyết Nhung